30/04/2012 - 21:16

Bất ổn gia tăng tại Ai Cập

Giới quân sự cầm quyền xem xét cải tổ nội các

Người biểu tình quá khích chống trả cảnh sát
Ai Cập. Ảnh: TheDailyStar.

Hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập hôm qua cho biết Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) đã thông báo cho Chủ tịch Quốc hội Saad al-Katatni về cam kết cải tổ nội các trong vòng 48 giờ tới. Động thái này diễn ra sau khi Quốc hội Ai Cập quyết định hoãn các phiên họp cho đến ngày 6-5 để phản đối việc chính quyền quân sự từ chối giải tán chính phủ của Thủ tướng Kamal al-Ganzouri và chỉ định đảng Tự do và Công lý (FJP) của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, vốn chiếm đa số trong Quốc hội Ai Cập, lãnh đạo chính phủ mới.

Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, hiện vẫn chưa rõ cơ cấu lãnh đạo của Ai Cập sẽ như thế nào và liệu Thủ tướng Kamal al-Ganzouri có còn tiếp tục tại vị nữa hay không. Ganzouri được bổ nhiệm làm Thủ tướng Ai Cập từ năm 2011 sau khi chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi năm rồi. Đây là vị trí ông từng nắm giữ giai đoạn 1996-1999 dưới thời Mubarak, nên vấp phải nhiều chỉ trích, đặc biệt từ phía FJP của Huynh đệ Hồi giáo.

Mâu thuẫn giữa SCAF và tổ chức Huynh đệ Hồi giáo càng trở nên trầm trọng hơn khi Ủy ban Bầu cử Tổng thống Ai Cập mới đây gạt ra khỏi danh sách tranh cử một số ứng viên mà họ cho là “không đủ điều kiện” tham gia cuộc bầu cử dự kiến vào ngày 23-5 tới, trong đó có ứng viên hàng đầu của Huynh đệ Hồi giáo. Hàng ngàn người ủng hộ Huynh đệ Hồi giáo đã kéo xuống đường biểu tình và đụng độ với lực lượng cảnh sát trong nhiều ngày qua, làm ít nhất 1 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Giới quan sát cho rằng việc SCAF thông báo có kế hoạch cải tổ nội các là nhằm xoa dịu tình hình căng thẳng hiện nay ở Ai Cập.

T.V (Tổng hợp)

Ai Cập cam kết sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng với Arabie Séoudite

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Cairo ngày 29-4, Bộ trưởng Kế hoạch và Hợp tác Quốc tế Ai Cập Fayza Abul Naga cho rằng cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa nước này và Arabie Séoudite sẽ sớm được giải quyết vì hai nước có quan hệ bền vững. Ông Naga nêu rõ cuộc khủng hoảng này không ảnh hưởng đến sự giúp đỡ kinh tế của Arabie Séoudite đối với Ai Cập và phía Arabie Séoudite đã chính thức phủ nhận khả năng rút đầu tư khỏi Ai Cập. Hội đồng quân sự Ai Cập đang nắm quyền điều hành đất nước cũng cam kết bảo đảm an toàn cho phái đoàn ngoại giao Arabie Séoudite tại nước này để nỗ lực cải thiện quan hệ với Riyardh.

Khủng hoảng ngoại giao đã xảy ra giữa hai nước sau khi Arabie Séoudite ngày 28-4 quyết định rút đại sứ và đóng cửa đại sứ quán của nước này tại Thủ đô Cairo của Ai Cập, cũng như các lãnh sự quán tại hai thành phố của Ai Cập là Alexandria và Suez, nhằm phản ứng với các cuộc biểu tình trước trụ sở Đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này tại Ai Cập, khi cho rằng các cuộc biểu tình này đe dọa tới sự an toàn của các nhân viên tại đây. Đây là bất đồng ngoại giao tồi tệ nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ qua.

 

Người biểu tình quá khích chống trả cảnh sát Ai Cập. Ảnh: TheDailyStar.

Chia sẻ bài viết