08/10/2019 - 09:32

Giáo viên Philippines, lời giải cho cuộc khủng hoảng nhân sự trong trường học Mỹ 

Khi Joevie Alvarado trở thành giáo viên, cô không mong sẽ dạy cho học sinh ở nước ngoài. Nhưng sự thiếu hụt trầm trọng giáo viên ở Mỹ đã buộc một số trường tiến hành các biện pháp quyết liệt, đó là tuyển giáo viên cách xa nửa vòng Trái đất - những thầy cô giáo đến từ Philippines.

Một cô giáo người Philippines đang hướng dẫn học sinh Mỹ thực hành môn hóa học. Ảnh: CNN

Tình trạng “chảy máu chất xám” trong đội ngũ giáo viên diễn ra khắp các trường học tại Mỹ, trong khi số sinh viên tốt nghiệp đại học chọn nghề giáo lại rất ít. Viện Chính sách học tập cho biết năm 2018, nước này bị khủng hoảng giáo viên trên toàn quốc, ước tính thiếu 112.000 giáo viên.

Chỉ riêng bang Arizona thiếu tới 7.000 giáo viên trong năm nay. Vì vậy, các trường học buộc phải tuyển một số giáo viên người Philippines sử dụng visa J-1, loại thị thực cho phép giáo viên ở lại Mỹ tới 5 năm. Hiệu trưởng Tom Trigalet của trường trung học Casa Grand Union cho biết không có nhiều sự lựa chọn để thay thế số giáo viên bị thiếu và sử dụng giáo viên nước ngoài chỉ là giải pháp tạm thời.

Cô Joevie Alvarado là một trong số các giáo viên người Philippines đã làm việc đến năm thứ tư tại Trường Casa Grande Union và dạy môn khoa học - môn học rất khó tìm giáo viên Mỹ. Những người có bằng cấp về toán và khoa học có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong các dự án nghiên cứu và phân tích, so với mức lương khởi điểm trung bình (đối với giáo viên bản xứ cũng như nước ngoài) ở Arizona là khoảng 36.300 USD/năm. Tuy mức lương đó có vẻ ít ỏi đối với nhiều người Mỹ, song các giáo viên người Philippines như Noel Que lại cho rằng công việc ở Mỹ hấp dẫn và cho phép họ sống tốt hơn. 

Mặc dù giảng dạy ở Mỹ giúp nâng cao đáng kể thu nhập, nhưng nó cũng khiến các giáo viên Philippines cảm thấy khó khăn với cuộc sống tha hương. “Trong năm đầu tiên, tôi phải đương đầu với cảm giác nhớ gia đình. Nhưng xét về thu nhập, tiền lương của tôi đã nhân gấp tám hoặc mười lần trước đó” - cô Alvarado, người từng dạy học 10 năm ở Philippines trước khi chuyển đến Arizona, nói rõ lý do lôi kéo cô đến Mỹ dạy học. Thầy Que cũng cho biết anh đã đưa ra quyết định khó khăn khi chuyển từ Philippines đến Arizona 4 năm trước, nhưng cuối cùng, anh đã quyết định đúng. Hiện Que gửi khoảng 50% tiền lương về quê lo cho gia đình.

Cả Que và Alvarado đến Mỹ thông qua một số công ty chuyên kết nối giáo viên nước ngoài với các trường học Mỹ có nhu cầu. Đây là một ngành kinh doanh đang bùng nổ. Trong một số trường hợp, giáo viên người Philippines phải trả trước một khoản phí để công ty tổ chức phỏng vấn trực tuyến, kiểm tra và lo giấy tờ. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, số giáo viên người Philippines đến Mỹ để giảng dạy theo thị thực J1 đã tăng từ 21 lên gần 800 trong 10 năm qua.

Nhưng tại sao trường Mỹ chọn giáo viên người Philippines? “Người Philippines nổi tiếng là rất kiên nhẫn và chăm chỉ, đó có lẽ là một trong những lý do hầu hết người tham gia chương trình visa giáo viên J1 là người Philippines”, cô Alvarado nói. Hơn nữa, trong khi một số giáo viên ở Mỹ không có chứng nhận về các môn học họ dạy, cả cô Alvarado và thầy Que đều có nhiều năm kinh nghiệm dạy các môn khoa học.

HOÀNG ĐIỂU (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết