30/04/2015 - 08:12

Giành lại ảnh hưởng

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani vừa có chuyến thăm chính thức đầu tiên 3 ngày tại Ấn Độ và được xem là cơ hội để New Delhi cạnh tranh và giành lại ảnh hưởng từ các đối thủ trong khu vực như Pakistan, Trung Quốc.

Từ khi lên nắm quyền cách đây 7 tháng, Tổng thống Ghani đã qua nước láng giềng Pakistan để cầu giúp hòa giải với phiến quân Taliban, tới Trung Quốc, Anh, Mỹ, Arabie Séoudite và một số quốc gia Trung Á nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ để ổn định tình hình đất nước và phát triển kinh tế. Điều đó khiến Ấn Độ giống như người ngoài cuộc và làm cho các cuộc đàm phán củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược được ký kết năm 2011 với Afghanistan, bao gồm thỏa thuận bán trang thiết bị quân sự cho nước này, chìm vào im lặng.

Lần này, ngoài mục tiêu chiến lược trên, lãnh đạo hai nước muốn thúc đẩy triển khai dự án đường ống dẫn khí tự nhiên TAPI (gồm Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ) trị giá 7,6 tỉ USD; hợp tác phát triển ngành công nghiệp khai thác mỏ; hiệp định thúc đẩy thương mại, ưu đãi thuế quan; hỗ trợ đàm phán hòa bình, hợp tác chống khủng bố và tăng cường an ninh khu vực; nhất là hiệp định hợp tác ba bên Ấn Độ, Afghanistan và Iran để phát triển cảng Chabahar (Iran), một đối thủ tiềm năng của cảng Gwadar tại Pakistan do Trung Quốc đầu tư, và qua đó làm cầu nối mở rộng giao thương hàng hải với cả khu vực Trung Á, vùng Kavkaz, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Bắc Âu.

Hiện tại, vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc ở Afghanistan, cùng với cam kết đầu tư 46 tỉ USD vào Pakistan – hàng xóm và cũng là đối thủ của Ấn Độ – tiếp tục làm tăng lo ngại New Delhi có thể đánh mất ảnh hưởng ở Nam Á. “Dấu chân của Trung Quốc ở phía Tây nước ta sẽ tiếp tục lớn dần khi họ tìm cách tiếp cận các vùng biển A-rập thông qua Pakistan, nguồn tài nguyên năng lượng của Iran và nguồn tài nguyên khoáng sản của Afghanistan” – Vikram Sood, cựu Giám đốc cơ quan tình báo đối ngoại của Ấn Độ, nhận định.

Để “thu phục” Afghanistan, chuyên gia cao cấp về Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở tại Luân Đôn (Anh), Rahul Roy-Chaudhury, nhận định chính quyền Thủ tướng Modi đang ý thức rằng họ phải ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình, tức can dự vào vấn đề an ninh tại Afghanistan chứ không thể đứng bên lề trước kình địch Pakistan.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết