31/05/2015 - 09:44

Gián điệp kinh tế Trung Quốc - “Những ngôi sao” ở quê nhà

Trong số 6 nhà khoa học Trung Quốc bị Mỹ truy tố về tội làm gián điệp kinh tế thì có 3 người là nhân vật nổi tiếng có học hàm, học vị hẳn hoi, được coi như "những ngôi sao" ở quê nhà khiến nhiều đồng nghiệp, người thân của họ ngỡ ngàng.

Như tin đã đưa, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc 6 công dân Trung Quốc làm gián điệp kinh tế, đánh cắp bí quyết phát triển công nghệ quân sự từ hai công ty sản xuất chip của Mỹ là Skyworks Solutions và Avago Technologies. Đây là lần thứ ba trong vài năm trở lại đây, Mỹ đưa ra cáo buộc gián điệp kinh tế nhằm vào Trung Quốc. Một trong những nghi phạm hàng đầu là giáo sư Trương Hạo, 36 tuổi, bị bắt tại thành phố Los Angeles (Mỹ) ngày 16-5 sau khi chuyến bay chở ông từ Trung Quốc hạ cánh xuống sân bay thành phố Los Angeles. Năm nghi phạm còn lại được cho là vẫn đang ở Trung Quốc.

Trương Hạo là thành viên ban lãnh đạo của khoa Công cụ đo chính xác và Kỹ thuật quang điện tử thuộc Đại học Thiên Tân. Ông nổi tiếng vì "đạt được nhiều thành tựu khi còn rất trẻ", dẫn lời ông Lý, một giáo sư kỹ thuật của Đại học Thiên Tân – trường do chính phủ Trung Quốc quản lý và là nơi 2 bị cáo khác giảng dạy. Ông Lý nói rằng ông Trương đạt được nhiều thành tựu xuất sắc để trở thành giáo sư trước khi ông 30 tuổi và là "ngôi sao của khoa". Ông Trương còn là một người hòa nhã và tận tụy với các sinh viên cho nên tin ông Trương bị bắt khiến ông Lý rất sốc.

Giao diện trang web của ROFS Microsystem. Ảnh: chinadigitaltimes

Vào tháng 12 năm 2011, ông Trương đồng sáng lập công ty ROFS Microsystem. Website của công ty này ghi rằng "lực lượng nòng cốt của công ty đều là những tiến sĩ du học ở Mỹ và có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc cho các công ty sản xuất chất bán dẫn nổi tiếng ở nước ngoài". Theo tài liệu của chính phủ Trung Quốc, ROFS Microsystem đã đầu tư khoảng 40 triệu USD để xây dựng dây chuyền sản xuất chip vi cơ điện tử (MEMS chip) ở thành phố Thiên Tân. Dây chuyền này có thể sản xuất 648 triệu con chip mỗi năm. Trong danh sách khách hàng của trang web lại không có các tổ chức chính phủ. Trang web ROFS không đề cập đến mối quan hệ với Đại học Thiên Tân nhưng trang mạng quảng cáo tìm việc lại nói văn phòng của công ty đặt tại khuôn viên trường. Năm 2012, công ty dời đến khu công nghệ cao của thành phố, hoạt động với danh nghĩa là "cơ sở sản xuất linh kiện điện tử thuộc Đại học Thiên Tân".

Website của ROFS Microsystem nêu rất rõ mục đích duy nhất của công ty này là "phá vỡ vị trí độc quyền của các công ty nước ngoài trong ngành công nghiệp vi mạch và giúp Trung Quốc phát triển dây chuyền cung cấp linh kiện điện tử có độ chính xác cao". Bộ Tư pháp Mỹ tố cáo ông Trương và một giáo sư khác của Khoa Cơ Điện tử thuộc Đại học Thiên Tân, ông Bành Ủy, đã áp dụng bằng sáng chế độc quyền dựa trên công nghệ của Mỹ. Trần Tấn Bình, một trong 6 bị cáo Trung Quốc và là thành viên ban quản trị công ty ROFS Microsystem, cũng giảng dạy cùng khoa với ông Trương và ông Bành ở Đại học Thiên Tân.

Còn nhớ khi vụ việc xảy ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã nói trong buổi họp báo ở Bắc Kinh: "Trung Quốc bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và hứa sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Trung Quốc trong mối quan hệ Mỹ - Trung". Nhiều quan chức và học giả Mỹ lâu nay cáo buộc rằng trong nhiều thập niên qua, chính phủ Trung Quốc đã dùng nhiều cách để "đánh cắp" công nghệ từ các công ty và học viện nước ngoài thông qua sự trợ giúp của nhiều nhà khoa học và nghiên cứu sinh Trung Quốc ở nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại đặt câu hỏi liệu chính phủ Trung Quốc có thật sự liên quan đến các vụ đánh cắp công nghệ của hacker Trung Quốc hoặc những vụ việc tương tự nói trên hay không.

Rất khó để biết được những hacker hay những cá nhân có liên quan ấy làm việc cho ai – quân đội, tổ chức chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân hay cho lợi ích của chính họ. Ông Shen, một cán bộ quản lý của học viện quốc tế thuộc Đại học Phục Đán, nói việc các bị cáo có liên quan đến trường Đại học Thiên Tân không có nghĩa họ trực tiếp hỗ trợ cho chính quyền trung ương hay làm việc cho lợi ích của chính quyền. Nhưng xét cho cùng, vì mục đích gì đi chăng nữa, chuyện đánh cắp trí tuệ của người khác, đặc biệt đối với những người nổi tiếng như ông Trương, là không thể chấp nhận được.

Huệ Lan (Theo New York Times)

Chia sẻ bài viết