11/10/2008 - 13:03

G20 tìm cách cứu kinh tế thế giới

Bão tài chính làm đau đầu các nhà đầu tư chứng khoán. Ảnh: Reuters

Nhằm tìm cách đối phó với những tác động tiêu cực của “cơn bão” tài chính lên nền kinh tế toàn cầu, Nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) sẽ họp khẩn cấp tại Mỹ vào hôm nay 11-10. Đây được xem là một trong những cuộc họp hết sức cấp thiết trước những diễn biến tiêu cực trên thị trường tài chính thế giới những ngày qua, bởi G20 chiếm tới 90% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới và 2/3 dân số toàn cầu. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ George Bush cũng sẽ họp khẩn tại Nhà Trắng với bộ trưởng tài chính G7 (gồm Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia và Nhật) cùng lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), nhằm tăng cường sự hợp tác toàn cầu để đẩy lùi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ vừa bơm thêm 38 tỉ USD vào AIG, nâng tổng số tiền giải cứu tập đoàn bảo hiểm lớn nhất thế giới lên 123 tỉ USD. Các quan chức Mỹ cũng đang cân nhắc khả năng bơm vốn trực tiếp cho các ngân hàng gặp khó khăn. Trong nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng tài chính ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Liên minh châu Âu (EU) và 6 ngân hàng trung ương vừa đồng loạt cắt giảm lãi suất. Bộ Tài chính Mỹ cũng đang hoàn tất các cơ chế để triển khai khoản cứu trợ 700 tỉ USD được Quốc hội thông qua tuần rồi.

Trong khi đó, sau nhiều hội nghị liên tục, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn chưa thống nhất được kế hoạch chung giải cứu cựu lục địa khỏi cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Để tự cứu mình, các nước EU vẫn phải thực hiện chính sách “ai lo thân người nấy”. Ngày 9-10, Hà Lan quyết định bơm 27 tỉ USD để bảo vệ hệ thống tài chính nước này. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì tuyên bố nền kinh tế lớn nhất EU không loại trừ khả năng quốc hữu hóa bất kỳ ngân hàng nào sau khi Anh và một số nước khác trong khối thực hiện việc này. Đến nay châu Âu, mà đi đầu là Anh và Đức, đã bơm hàng trăm tỉ USD vào thị trường tài chính. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hôm 9-10 cũng bơm 39 tỉ USD vào thị trường tiền tệ.

Bất chấp các nỗ lực đó, thị trường chứng khoán thế giới vẫn sụt giảm nghiêm trọng do tâm trạng hoảng loạn. Đêm 9-10, chỉ số công nghiệp Dow Jones và Standard & Poor’s 500 giảm hơn 7%. Đây là phiên giao dịch thứ 7 liên tiếp, chỉ số Dow Jones sụt giảm, chỉ còn 909,90 điểm, mức thấp nhất trong 5 năm qua, được xem là tồi tệ nhất từ sau Ngày thứ hai đen tối diễn ra vào tháng 10-1987. Tại Luân Đôn, chỉ số chứng khoán FTSE 100 giảm thêm 1,2% sau khi đã giảm 5,2% phiên giao dịch hôm 8-10, còn 4.313,8 điểm, mức thấp nhất trong 4 năm qua. Tại châu Á, chỉ số Nikkei của Nhật giảm 11,4% trong phiên giao dịch sáng 10-10, trong khi tại thị trường chứng khoán Seoul (Hàn Quốc), giá cổ phiếu giảm hơn 5% chỉ trong 15 phút mở cửa giao dịch.

Theo báo cáo giữa năm về Triển vọng Kinh tế Thế giới mới đây, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ sụt giảm mạnh trong năm 2008 và 2009, và kinh tế Mỹ nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2008 sẽ chỉ ở mức 3,9%, thấp hơn nhiều so với mức 5% năm 2007, và giảm mạnh hơn nữa trong năm 2009 với khoảng 3%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2002.

Các nhà phân tích cho rằng phản ứng của G20 là rất quan trọng để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính. Theo Abiel Reinhart, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng JPMorgan Chase, cuộc họp sẽ tập trung vào chính sách quản lý khả năng thanh toán, cải cách hệ thống tài chính và các quyết định về lãi suất. Stephen Halmarick, Giám đốc quản lý kinh tế của Ngân hàng Citibank, những biện pháp từ trước tới nay của cộng đồng quốc tế không ngăn chặn hiệu quả suy thoái kinh tế toàn cầu, do đó các nhà đầu tư sẽ chờ đợi cuộc họp của G20 với các giải pháp ổn định thị trường.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường!

N.MINH (Theo Reuters, Forbes, The Time)

Chia sẻ bài viết