Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đang diễn ra theo hình thức trực tuyến, các nhà lãnh đạo kêu gọi thế giới nỗ lực và hợp tác chặt chẽ hơn trong cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có việc phân bổ vaccine.

Các nhà lãnh đạo G20 tham dự Hội nghị thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến. Ảnh: AFP
Phát biểu sáng 22-11 (giờ Việt Nam), Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh thế giới có thể chế ngự được SARS-CoV-2 cũng như hậu quả của đại dịch COVID-19 nếu hợp tác cùng nhau. Theo bà, chỉ với nỗ lực toàn cầu, thế giới mới có thể vượt qua được những thách thức lớn như đại dịch COVID-19. Thủ tướng Merkel cũng cho rằng để có thể kiểm soát đại dịch, cần phải tạo điều kiện để mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vaccine với mức giá phải chăng. Bà kêu gọi củng cố Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và hỗ trợ thêm cho sáng kiến tiếp cận vaccine toàn cầu (COVAX) của Liên Hiệp Quốc. Theo bà, số tiền cam kết cho tới nay là chưa đủ cho mục tiêu trên, đồng thời kêu gọi sự hợp tác đa phương, coi đây là chìa khóa trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Theo báo chí Đức, hiện chưa rõ lời kêu gọi củng cố WHO có được đưa vào tuyên bố chung kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G20 hay không, trong bối cảnh Mỹ đã rời khỏi tổ chức đa phương này. Tuy nhiên, trong bản dự thảo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cam kết sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn đại dịch COVID-19, duy trì đời sống, việc làm và thu nhập của người dân. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G20 cũng cảnh báo tình trạng phục hồi kinh tế toàn cầu không cân bằng, không chắc chắn đi kèm với các nguy cơ ngày càng gia tăng đối với triển vọng kinh tế thế giới. Trong dự thảo, G20 cũng cam kết đảm bảo để các nước nghèo có thể tiếp cận vaccine, thuốc điều trị và xét nghiệm phòng ngừa COVID-19.
Tham gia hội nghị kéo dài 2 ngày của G20, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 đảm bảo việc phân bổ công bằng vaccine phòng COVID-19. Theo ông, đó là điều kiện để có thể kiểm soát đại dịch, qua đó giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi nền kinh tế thế giới. Ông cũng nhấn mạnh các nước G20, vốn chiếm 2/3 dân số thế giới và 80% sản lượng kinh tế toàn cầu, cần có trách nhiệm đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.
Cùng quan điểm, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho rằng G20 cần phát đi “một thông điệp rõ ràng” rằng nhóm này sẽ đi đầu trong cuộc chiến chống dịch bệnh, phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nối lại các hoạt động đi lại và nỗ lực định hình trật tự thế giới mới sau đại dịch.
Thủ tướng Suga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo lập môi trường trong đó tất cả mọi người trên khắp thế giới có thể tiếp cận các phương pháp chữa trị, vaccine và phương pháp chẩn đoán, đồng thời kêu gọi G20 nỗ lực để có vaccine và thuốc chữa COVID-19 cho người dân trên khắp thế giới. Ông cho rằng điều này đòi hỏi nỗ lực toàn diện ở các khâu bào chế, sản xuất và phân phối.
Cú sốc chưa từng có
Trước đó, Quốc vương Salman bin Abdulaziz của Saudi Arabia (nước chủ trì Hội nghị) cho rằng COVID-19 là cú sốc chưa từng có đối với thế giới trong một năm bất thường này.
Quốc vương Saudi Arabia nêu rõ: “Đại dịch COVID-19 là một cú sốc chưa từng có, ảnh hưởng đến toàn thế giới chỉ trong một thời gian ngắn, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. Các dân tộc và nền kinh tế của chúng ta vẫn đang phải chịu đựng cú sốc này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để vượt qua cuộc khủng hoảng thông qua hợp tác quốc tế”.
Ông Salman nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác và “đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về hy vọng và cũng là để trấn an người dân thông qua việc áp dụng các chính sách nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng này”. Theo ông, mặc dù thế giới lạc quan về những tiến bộ đạt được đối với việc phát triển vaccine, phương pháp điều trị và xét nghiệm COVID-19, song “chúng ta vẫn phải nỗ lực để tạo ra khả năng tiếp cận công bằng và hợp lý đối với những công cụ này cho tất cả mọi người”.
Quốc vương Saudi Arabia lưu ý rằng lãnh đạo các nước thuộc G20 cần hướng tới việc tiếp cận công bằng và giá cả phải chăng đối với vaccine ngừa COVID-19. Theo ông, 20 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu đã đóng góp 21 tỉ USD để đối phó với COVID-19 và “đã thực hiện các biện pháp đặc biệt để hỗ trợ nền kinh tế bằng cách bơm hơn 11.000 tỉ USD để hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp”. Ông cho rằng các nước G20 cũng nên hỗ trợ các nước đang phát triển để duy trì nhịp độ phát triển.
Để giảm thiểu những thách thức của đại dịch, các nước G20 đã hỗ trợ khẩn cấp cho các nước đang phát triển, trong đó có cơ chế chung về việc giãn nợ cho các nước có thu nhập thấp. Ông cũng kêu gọi mở lại biên giới và nền kinh tế để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.
Phép thử đối với G20
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cuộc khủng hoảng y tế là “một phép thử đối với G20”, nhấn mạnh “sẽ không có cách ứng phó nào chống đại dịch hiệu quả hơn một cách ứng phó toàn cầu”.
Theo ông, việc làm sao để tiếp cận rộng rãi với các công nghệ y tế chống COVID-19 chính là cuộc chiến tiếp theo mà thế giới phải đối mặt. Cần tránh bằng mọi giá kịch bản “thế giới hai tốc độ”, trong đó chỉ nước giàu được bảo vệ khỏi virus và trở lại cuộc sống bình thường, trong khi nước nghèo bị bỏ lại phía sau và chìm trong dịch bệnh. Ông gợi ý nên lập một hệ thống tài trợ để tiêm phòng cho các đối tượng ưu tiên tại các nước đang phát triển. Ông cũng cho rằng vào thời điểm khẩn cấp về y tế, cần thúc đẩy quan hệ đối tác công nghiệp và sản xuất với các nước đang phát triển, thúc đẩy các năng lực nghiên cứu và sản xuất các công nghệ y tế, kể cả tại châu Phi, qua đó sẽ đóng góp tốt nhất cho việc chống lại các đại dịch trong tương lai.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập sự cần thiết phải xây dựng “một bức tường thành toàn cầu chống COVID-19”, trong khi kêu gọi các nước G20 hỗ trợ phân phối vaccine “một cách công bằng và hiệu quả”. Ông Tập khẳng định Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước khác trong việc nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phân phối vaccine.
Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp kháng thể Regeneron
Ngày 21-11, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp một loại kháng thể tổng hợp do công ty công nghệ sinh học Regeneron bào chế để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.
Kháng thể trên đã được chỉ định điều trị cho Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau khi ông được chẩn đoán mắc COVID-19 và ông Trump cho biết kháng thể này đã giúp chữa khỏi bệnh. Loại kháng thể tổng hợp này kết hợp 2 kháng thể mạnh kiểm soát lây nhiễm, qua đó bệnh nhân không cần phải thăm khám y tế nhiều trong thời gian mắc bệnh. Một loại tương tự, do Eli Lilly bào chế, đã từng được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp hồi đầu tháng này.
Kháng thể của Regeneron chỉ được sử dụng điều trị cho những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và có nguy cơ cao bệnh diễn biến nặng hơn. Có bằng chứng kháng thể này có tác dụng tốt nhất vào giai đoạn đầu mắc bệnh, trước khi virus lan ra toàn cơ thể. Kháng thể của Regeneron, cũng giống như sản phẩm của Eli Lilly, không được dùng cho những người đã nhập viện hoặc phải sử dụng máy trợ thở.
Regeneron cho biết có thể cung cấp đủ kháng thể cho 80.000 người đến cuối tháng 11 này, đủ cho 200.000 người đến đầu tháng 1-2021, và đủ cho 300.000 người đến cuối tháng 1. Sau đó, công ty có thể tăng sản xuất nhờ hợp tác với nhà sản xuất Roche của Thụy Sĩ.
|
BÍCH LIÊN (TTXVN)