19/09/2022 - 20:10

EU mạnh tay với Hungary 

Việc Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên kích hoạt quy trình “đóng băng” nguồn quỹ dành cho Hungary cho thấy kiên nhẫn với Budapest đang chạm tới giới hạn, đặc biệt sau nỗ lực của chính quyền Thủ tướng Viktor Orban (ảnh) cản trở các lệnh trừng phạt Nga của EU.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Cách đây vài ngày, Ủy ban Ngân sách EU đề xuất đình chỉ 65% tiền từ các quỹ liên kết của khối (ước tính 7,5 tỉ USD) dành cho Hungary vì lo ngại tham nhũng và pháp quyền. Các nước EU có thời hạn 1 đến 3 tháng để đưa ra quyết định cuối cùng và cần có đa số đồng thuận giữa những thành viên để đề xuất có hiệu lực.

Đánh giá động thái của EU, giới quan sát coi đây là tín hiệu cho thấy liên minh đang thay đổi chiến lược sau hơn một thập kỷ nỗ lực nhưng không thành công trong việc giữ Hungary tuân theo giá trị dân chủ. Theo các cáo buộc, Thủ tướng Orban từ khi lên nắm quyền vào năm 2010 đã thách thức các nguyên tắc nền tảng của EU bằng một cuộc thâu tóm quyền lực chưa từng có khi viết lại Hiến pháp, sửa đổi các quy tắc bầu cử và mở rộng ảnh hưởng của chính phủ đối với tòa án, truyền thông, tổ chức văn hóa và hệ thống giáo dục. Budapest cũng hạn chế quyền của người di cư, người đồng tính và phụ nữ.

Mối quan tâm của Brussels còn tập trung vào bất thường mang tính hệ thống trong luật mua sắm công của Hungary, sự thiếu vắng những biện pháp chống xung đột lợi ích và yếu kém trong tính độc lập của ngành tư pháp. 

EU trước nguy cơ chia rẽ

Hình phạt tài chính nhắm vào Hungary được coi là dấu hiệu về sự chia rẽ nội bộ ngày càng tăng trong EU, đặc biệt ở thời điểm khối đang bước giai đoạn quan trọng với tình trạng thiếu hụt năng lượng đe dọa tính thống nhất mong manh mà 27 nước thành viên đã cố gắng duy trì kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2. Theo Reuters, Hungary đến nay vẫn giữ quan hệ nồng ấm với Nga. Và trong khi hầu hết các quốc gia thành viên chạy đua nhằm đảm bảo nguồn cung khí đốt trước mùa đông, chính quyền Thủ tướng Orban đã tăng cường nhập năng lượng từ Nga bằng cách từ chối áp hạn chế lên Mát-xcơ-va như các nước EU khác. Bối cảnh này cùng với cách tiếp cận đối kháng trước nay của chính quyền Budapest buộc EU phải ra tay. “Quan điểm ủng hộ Nga của Hungary khiến tầng lớp tinh hoa EU thấy rõ Thủ tướng Orban không chỉ là thách thức đối với nền dân chủ Hungary, mà còn đe dọa khả năng của Brussels trong ứng phó khủng hoảng ở Ukraine” - Jacek Kucharczyk tại Viện Các vấn đề Công cộng của Ba Lan nhận định.

Trong ngắn hạn, vấn đề có thể tệ hơn nếu Budapest phản ứng bằng cách tăng cường cản trở hoạt động kinh doanh của EU. Về lâu dài, những nỗ lực kiểm soát của khối có thể phụ thuộc vào Ba Lan, bởi cần có sự ủng hộ của tất cả quốc gia thành viên để lệnh trừng phạt có hiệu lực. Trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine, Ba Lan và Hungary vốn là đồng minh khi Warsaw cũng vướng cáo buộc phá hoại giá trị và nguyên tắc EU. Nhưng cuộc chiến đã làm lộ khác biệt cơ bản giữa hai nước khi Warsaw tích cực ủng hộ lệnh trừng phạt chống Nga của EU. Tuy vậy, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết nước này kiên quyết phản đối hành động của Brussels tước đoạt nguồn quỹ cung cấp cho bất kỳ quốc gia thành viên nào, cụ thể là Hungary. Năm ngoái, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng cảnh báo Ba Lan rằng việc nước này thách thức luật EU đã phạm vào nền tảng của khối và không thể không bị trừng phạt. Nghị viện châu Âu sau đó đã bỏ phiếu thông qua việc hoãn các khoản tiền hỗ trợ cho Warsaw.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết