08/04/2025 - 08:38

EU “khát” khoáng sản thô của Trung Á 

Trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các loại khoáng sản quan trọng, Liên minh châu Âu (EU) vừa tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với 5 quốc gia giàu tài nguyên ở Trung Á tại thành phố Samarkand (Uzbekistan) để luận bàn về tầm quan trọng của các loại khoáng sản cần thiết cho ngành công nghiệp quốc phòng và quá trình chuyển đổi xanh của khối gồm 27 quốc gia thành viên này.

Từ trái sang: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Costa, Tổng thống Uzbekistan Mirziyoyev và Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen. Ảnh: EPA

Ngoài sự hiện diện của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cùng Tổng thống nước chủ nhà Shavkat Mirziyoyev, hội nghị diễn ra ngày 3 và 4-4  quy tụ dàn lãnh đạo cấp cao từ Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Ðây là Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á lần thứ ba, sau 2 hội nghị diễn ra năm 2022 và 2023, song là hội nghị đầu tiên có chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) tham gia. Tại hội nghị, ngoài việc thảo luận xung quanh các vấn đề gồm phát triển bền vững, nỗ lực của Nga nhằm tránh các lệnh trừng phạt, phần lớn thời lượng hội nghị được dành để luận bàn việc phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để giúp Trung Á khai thác các nguồn tài nguyên có giá trị theo cách bền vững và ngược lại giúp EU đa dạng hóa nguồn cung cấp khoáng sản của khối.

Cách tiếp cận mới

Quan hệ giữa EU và Trung Á đã từng bước được cải thiện trong những năm gần đây. EU lần đầu tiên thông qua chiến lược về khu vực Trung Á năm 2007 và sau đó tiếp tục được cập nhật năm 2019. Chiến lược này nêu bật tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực và hướng đến thúc đẩy quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với các quốc gia Trung Á, cho phép khu vực phát triển thành một không gian kinh tế và chính trị bền vững, thịnh vượng và có sự kết nối mật thiết. Tuy vậy, mối quan tâm của EU trong việc phát triển quan hệ với Trung Á chỉ thực sự được đẩy mạnh từ năm 2022, với Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Á đầu tiên diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan.

Marcin Popławski, chuyên gia tại Viện Các vấn đề quốc tế Ba Lan (PISM), nhận định cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi cách tiếp cận của EU với Trung Á. Hai năm qua, khu vực này đã trở nên quan trọng hơn đối với Brussels trong việc khai thác tiềm năng về năng lượng và giao thông. Trong thời gian này, mô hình liên lạc chính trị thường xuyên ở cấp cao nhất đã phát triển, chiến lược hợp tác được cập nhật và các dự án kinh tế mới được triển khai. Những động thái này được củng cố bằng hành động bổ sung từ các quốc gia thành viên, chủ yếu là Ðức và Pháp. 

EU là đối tác thương mại thứ hai của khu vực (chiếm 22,6% tổng kim ngạch thương mại nước ngoài năm 2023). EU cũng là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Á, chiếm hơn 40% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 năm qua (hơn 100 tỉ euro), tập trung vào các lĩnh vực chính như dược phẩm, xây dựng, năng lượng và nông nghiệp.

Hiện nay, sở dĩ EU quan tâm nhiều hơn với Trung Á là bởi khu vực này sở hữu lượng lớn khoáng sản thô quan trọng, vốn không thể thiếu đối với nhiều lĩnh vực chiến lược. “Rất nhiều nguyên liệu thô quan trọng mà EU cần đều có ở Trung Á. Ví dụ, silicon cần thiết cho việc sản xuất các tấm pin mặt trời, trong khi vonfram cần thiết cho việc phát triển radar và nhiều thiết bị quốc phòng khác, còn lithium giữ vai trò quan trọng cho việc sản xuất pin. Các quốc gia Trung Á giàu cả 3 loại này và nhiều loại khác nữa nhưng phần lớn các nguồn tài nguyên này bị mắc kẹt trong một ngành khai thác chưa phát triển” - Samuel Vesterbye, giám đốc tổ chức tư vấn Hội đồng Láng giềng châu Âu, cho biết.

Viện Nghiên cứu châu Á - châu Âu (EIAS) cho rằng tiềm năng mở rộng sản xuất khoáng sản của Trung Á là rất lớn. Kazakhstan hiện sản xuất 19 trong số 34 nguyên liệu thô quan trọng của EU và đang chuẩn bị mở rộng lên con số 21, trong khi Uzbekistan được xem là nhà cung cấp urani lớn thứ năm thế giới và cũng rất giàu bạc, titan, molypden và vàng. Trong khi đó, Tajikistan là một trong những nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới nhưng gần như không thể xuất khẩu sang EU vì lý do hậu cần, buộc Dushanbe phải bán cho Trung Quốc và Nga.

Cạnh tranh với Nga và Trung Quốc

Trung Á được xem là nguồn thay thế cho hầu hết những gì châu Âu cần từ Trung Quốc. Năm 2023, EU nhập khẩu 94% lượng nguyên tố đất hiếm từ Trung Quốc, Nga và Malaysia. Tuy nhiên, Trung Quốc là đồng minh quan trọng của Nga và đang xây dựng ngành công nghiệp công nghệ xanh vốn cần dùng nhiều khoáng sản. Vậy nên, Bắc Kinh đã hạn chế xuất khẩu ít nhất một loại khoáng sản quan trọng, khiến EU lo ngại chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Gần đây, Trung Quốc còn hạn chế xuất khẩu antimon, loại khoáng sản được dùng để sản xuất kính nhìn ban đêm cũng như nhiều ứng dụng quân sự khác. 

Ngoài ra, Trung Á còn giữ vai trò quan trọng trong sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu trị giá 300 tỉ euro của châu Âu. Sáng kiến này được coi là đối thủ cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc, đảm trách việc phát triển Tuyến Vận tải Quốc tế Xuyên Caspi (TITR) giúp cải thiện khả năng kết nối giữa EU và Trung Á, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 15 ngày. TITR được coi là tuyến đường ngắn nhất từ Trung Quốc đến châu Âu và là một trong giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez. Giới chuyên gia cho rằng việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng dọc theo tuyến đường sẽ làm gia tăng đáng kể hoạt động thương mại.

Ước tính, các chính phủ Trung Á cần 18,5 tỉ euro để phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết. Vào tháng 1 năm ngoái, EU đã huy động được hơn một nửa số tiền đó từ các quốc gia thành viên, khu vực tư nhân cũng như Ngân hàng Ðầu tư châu Âu hay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu. Marie Dumoulin, Giám đốc chương trình châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Ðối ngoại châu Âu, cho rằng để thu hút Trung Á trước các đối thủ như Nga hay Trung Quốc, EU cần phải chủ động. “Các quốc gia Trung Á nên được hưởng lợi từ sáng kiến Cửa ngõ Toàn cầu nhưng các dự án cụ thể lại chậm được hiện thực hóa và không dễ nhìn thấy. Do đó, nếu muốn trở thành đối thủ cạnh tranh trong khu vực, EU cần phải thay đổi” - bà Dumoulin cho biết.

Thực tế, Trung Á lâu nay duy trì mối quan hệ kinh tế sâu rộng và lâu đời với Nga và Trung Quốc. Sự hợp tác này diễn ra ở cả cấp độ song phương lẫn từng quốc gia. Nga hiện đang chiếm hơn 30% tổng kim ngạch thương mại của các quốc gia Trung Á. Ðiều đáng chú ý là bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây, hoạt động thương mại giữa Nga và các quốc gia trong khu vực vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết