Cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf (ảnh) mới đây thông báo ông sẽ trở về quê hương trong tháng này và đứng ra tranh cử quốc hội, bất chấp hàng loạt lệnh bắt giữ đang chờ đón ông.
Musharraf người đã lãnh đạo Pakistan từ năm 1999 đến 2008, bị cáo buộc âm mưu ám sát bà Benazir Bhutto hồi cuối năm 2007, do đã buông lỏng an ninh khiến cựu thủ tướng bị sát hại. Sau khi đảng của ông thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2008, ông phải từ chức để tránh bị truy tố và kể từ đó, ông sống lưu vong ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc A-rập Thống nhất UAE) và Luân Đôn (Anh). Việc này khiến ông bị buộc thêm tội phản quốc.
Tại cuộc họp báo tổ chức ở Dubai ngày 1-3, Musharraf cho rằng Pakistan đang ở trong thời khắc "hành động hoặc là chết", khi nước này đối mặt với các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố và tình trạng suy thoái kinh tế. "Tôi sẽ trở về Pakistan để mang lại sự lựa chọn thứ ba cho cử tri Pakistan và đảo ngược tình hình kinh tế hiện nay, cải cách luật pháp cũng như vãn hồi trật tự của đất nước"- ông Musharraf phát biểu, nhưng không tiết lộ cụ thể ngày về mà chỉ gợi ý là nó sẽ diễn ra trong vòng 1 tuần sau khi chính quyền lâm thời được thành lập.
Theo kế hoạch, chính phủ liên minh do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) dẫn đầu sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 16-3 và khi đó, một chính phủ lâm thời trung lập sẽ ra đời để tiếp quản đất nước trước khi tiến hành cuộc bầu cử quốc hội 2 tháng sau đó.
Musharraf nói bản thân ông không sợ tòa án và nguy cơ bị đưa ra xét xử. "Tôi đã làm tất cả cho đất nước và nhân dân Pakistan. Nếu cuối cùng tôi bị trừng phạt thì điều đó có giúp kinh tế Pakistan phát triển?"- ông đặt câu hỏi. Khi được hỏi liệu ông có đủ thời gian chuẩn bị tranh cử hay không, cựu Tổng thống Pakistan đáp: "Một vài cuộc gặp gỡ công chúng cũng đủ tạo đà cho cuộc bầu cử và người dân đã sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc thay đổi". Ông còn tin tưởng đảng Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan (APML) mà ông mới thành lập năm 2010 sẽ thắng cử.
Mặc dù một số nhà bình luận tin rằng chính phủ lâm thời sẽ không cản trở ông Musharraf hồi hương, nhưng thông báo về sự kiện này chỉ nhận được sự im lặng của Pakistan bởi người ta nghi ngờ ông có thể hủy kế hoạch này một lần nữa. Năm ngoái, ông từng bỏ ý định hồi hương vào ngày 31-1-2012, sau khi chính phủ dọa sẽ bắt ông ngay khi đặt chân vào lãnh thổ nước này. Sau đó, những người thân tín của ông Musharraf trong quân đội đã khuyên ông nên tránh xa Pakistan. Giới phân tích cho rằng quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào các đồng nghiệp cũ của ông Musharraf trong quân đội, những người có thể xem sự hiện diện của ông tại Pakistan nhắc người ta nhớ đến một chế độ quân sự nguy hiểm, làm hủy hoại một mối quan hệ vốn không mấy êm thấm với chính quyền dân sự hiện thời.
Có thể nói sự bất lợi về thế lực chính trị và những rắc rối liên quan đến luật pháp sẽ là những rào cản to lớn trong nỗ lực hồi hương của cựu Tổng thống Musharraf, nếu ông vẫn quyết định đi trên con đường này.
THANH TRÚC