22/09/2010 - 08:48

Đường ống mạo hiểm

Bản đồ đường ống dẫn khí đốt TAPI.
Ảnh: Presstv

Turkmenistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ vừa đạt được thỏa thuận khung xây dựng một đường ống và giá cả mua bán khí đốt. Như vậy, các vấn đề liên quan đến dự án xây dựng đường ống mang tên cả 4 quốc gia Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (TAPI) đã cơ bản được giải quyết, chỉ còn chờ các nhà lãnh đạo phê duyệt trong cuộc gặp tại Thủ đô Ashgabat của Turkmenistan vào tháng 12 tới.

Tuyến đường ống TAPI dài 1.680 km, trong đó có 735 km chạy qua lãnh thổ Afghanistan và 800 km qua Pakistan. Nó được nghiên cứu khả thi từ năm 2004 do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Tổng chi phí dự tính ban đầu khoảng 3,3 tỉ USD, nhưng sau đó phát sinh lên thành 7,6 tỉ USD.

Sáng kiến xây dựng TAPI ra đời trong bối cảnh Iran đã có kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí đốt qua Pakistan và Ấn Độ mà dư luận lúc ấy mô tả là “đường ống hòa bình” vì có thể góp phần đưa mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, hai cường quốc hạt nhân láng giềng còn nhiều hiềm khích, xích lại gần nhau hơn.

Giới cầm quyền Mỹ từng lên tiếng công khai phản đối đường ống giữa Iran với Ấn Độ và Pakistan, nhưng lại ủng hộ TAPI dù dự án này có tính rủi ro về an ninh rất cao. Theo các nhà phân tích, điều đó cũng chẳng có gì lấy làm khó hiểu vì lâu nay Washington vẫn duy trì chính sách cô lập chống Iran.

Vấn đề ở chỗ dư luận cho rằng TAPI là “đường ống mạo hiểm”. Tình hình an ninh ở Afghanistan và Pakistan ngày càng bất ổn, khiến người ta hoài nghi khả năng đảm bảo an ninh cho đường ống có công suất vận chuyển theo thiết kế lên tới 33 tỉ mét khối khí đốt/năm này.

PHÚC GIA AN (Theo Reuters và AFP)

Bản đồ đường ống dẫn khí đốt TAPI. Ảnh: Presstv

Chia sẻ bài viết