Hội nghị quốc tế lần thứ 19 về HIV/AIDS diễn ra tại Washington từ ngày 22-27/7 có thể mang lại những hy vọng lớn giải quyết căn bệnh thế kỷ. Trước hết vì hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo nhất các nhà khoa học, giới làm luật và hoạt động phòng chống HIV/AIDS (hơn 21.000 người từ 177 quốc gia). Đây cũng là lần đầu tiên sau 22 năm hội nghị quốc tế chuyên đề HIV/AIDS mới quay trở về Mỹ nhờ chính quyền nước này từ năm 2009 đã chính thức bãi bỏ lệnh cấm các công dân nước ngoài dương tính HIV nhập cảnh. Hội nghị đồng thời được tổ chức tại thành phố mà tỷ lệ người bị nhiễm HIV lên tới 3%, một con số tương đương với nhiều thành phố thuộc các quốc gia bị lây nhiễm tồi tệ nhất trên thế giới, nên có thể làm tăng sự quan tâm của công chúng Mỹ về vấn đề này. Mỹ cũng là nước mà căn bệnh thế kỷ đang bị tác động thiếu cân đối vào người nghèo và cộng đồng thiểu số.
Là nền kinh tế lớn nhất hành tinh và dù Tổng thống Barack Obama đã quyết định cắt giảm 214 triệu USD của Quỹ khẩn cấp chống HIV/AIDS của Nhà Trắng năm 2013, Mỹ vẫn là quốc gia đóng góp nhiều nhất với hơn 6 tỉ USD/năm trên tổng ngân sách khoảng 16,8 tỉ USD trong cuộc chiến HIV/AIDS toàn cầu. Tại hội nghị lần này, người ta tin rằng các mạnh thường quân nước Mỹ và các nước giàu có khác sẽ hào phóng hỗ trợ kinh phí cho cuộc chiến HIV/AIDS, dù thật đáng tiếc tổng thống nước chủ nhà không thể dành chút ít thời gian tới tham gia hội nghị. Mỹ cũng vừa trở thành nước tiên phong đưa vào sử dụng thuốc viên Truvada như là thuốc ngăn chặn lây nhiễm HIV cho người khỏe mạnh đầu tiên trên thế giới.
Suốt hơn 30 năm qua, đại dịch thế kỷ đã cướp đi sinh mạng của 30 triệu người trên hành tinh và có tổng cộng 34 triệu người đang sống chung với HIV/AIDS hồi năm ngoái. Nước Mỹ đã có 600.000 người chết và khoảng 1,2 triệu người đang bị lây nhiễm năm 2011. Trước hội nghị, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tăng cường sử dụng các loại thuốc ARV cho tất cả người nhiễm HIV/AIDS để họ không lây truyền vi-rút sang người khác và sửa đổi phác đồ điều trị để ngăn chặn lây truyền vi-rút từ mẹ sang con, đồng thời cung cấp cho tất cả những người có nguy cơ cao nhiễm HIV, bất kể hiện trạng hệ miễn dịch của họ.
Có điều việc huy động sự đóng góp 22-24 tỉ USD vào quỹ toàn cầu cho chiến dịch ngăn chặn và đẩy lùi HIV/AIDS sẽ không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh nhiều nước phải “thắt lưng buộc bụng” do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đang tiếp tục lan rộng, phát tán nhanh. Thế giới đang hy vọng vào kết quả của hội nghị này, dù chưa biết chắc nó có tạo ra được hiệu ứng tích cực hay không.
ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)