07/12/2017 - 15:00

Đức muốn giữ vai trò quốc tế lớn hơn 

Những thay đổi từ phía Mỹ đồng nghĩa Đức và châu Âu phải định rõ và bảo vệ lợi ích của mình cũng như tiếp cận chính sách đối ngoại quyết đoán và độc lập hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã nói như thế tại hội nghị chính sách đối ngoại ở Thủ đô Berlin hôm 5-12. “Chúng ta phải xác định vị trí của mình và nếu cần sẽ vạch ra những lằn ranh đỏ trong quan hệ đối tác, nhưng phải hướng về những lợi ích riêng”- ông Gabriel nói và thòng thêm rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xem thế giới này như “vũ đài” tranh giành mà ở đó châu Âu thậm chí có thể bị coi là kẻ thù kinh tế. Do đó, ông kêu gọi sẵn sàng xung đột với Washington về nhiều vấn đề, bao gồm thương mại và Iran.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức lập luận rằng vai trò của Mỹ là bảo vệ an ninh và lợi ích kinh tế của châu Âu đang bắt đầu xói mòn. Dưới thời Tổng thống Trump, nước Đức không còn được Mỹ coi là đặc biệt. Ông Gabriel đề cập đến các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Nga có thể làm tổn hại lợi ích kinh tế Đức, việc ông Trump chối bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran và chuyện công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Theo ông Gabriel, Mỹ đưa ra những động thái trên mà không thèm để ý đến quan điểm của châu Âu.

“Sự rút lui của Mỹ dưới thời Donald Trump là từ bỏ vai trò đáng tin cậy của mình như là quốc gia đảm bảo chủ nghĩa đa phương do phương Tây dẫn dắt, làm thay đổi nhanh trật tự thế giới với hậu quả tức thời đối với lợi ích của nước Đức và châu Âu” -  Ngoại trưởng Gabriel cảnh báo. Theo báo New York Times, bài phát biểu của ông Gabriel càng tô đậm sự thừa nhận về hố sâu chia rẽ giữa Mỹ và “lục địa già”, nhưng nó cũng nhấn mạnh khoảng trống lãnh đạo trong các quốc gia phương Tây, khi Mỹ dường như ngày càng muốn từ bỏ vai trò này.

Hội nghị nói trên diễn ra vài giờ trước cuộc họp cấp ngoại trưởng các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussel (Bỉ). Tại đây, Ngoại trưởng  Mỹ Rex Tillerson đã bất ngờ khi nhận được sự tiếp đón “lạnh nhạt, phê phán”- điều hiếm có nếu so với cách đây không lâu. Đứng cạnh ông Tillerson trong buổi họp báo tại Hội đồng châu Âu hôm 5-12, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini cho rằng sẽ là thiếu sáng suốt nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và việc dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel sang Jerusalem sẽ làm xói mòn nỗ lực hòa bình Trung Đông. Không lâu sau khi đến Brussels, ông Tillerson cũng đã bị “bao vây” bởi những người tương nhiệm khác nhằm thể hiện sự bất đồng của họ về thỏa thuận hạt nhân Iran và chuyện Jerusalem.

THANH BÌNH

Chia sẻ bài viết