03/06/2012 - 20:36

Đồng sàng dị mộng

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hai ngày 3 và 4-6 tại vùng ngoại ô Strelnya của thành phố Saint-Petersburg (Nga) là cơ hội quý báu để hai bên thúc đẩy các mối quan hệ song phương và hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng, nhất là trong bối cảnh ông Vladimir Putin vừa trở lại Điện Kremlin, còn châu Âu đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tồi tệ.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã tuyên bố: “Nga không chỉ là nước láng giềng lớn nhất của EU mà còn là đối tác chiến lược vì mối quan hệ bền vững và mang lại lợi ích cho nhau”. Ông cho rằng mối quan hệ chiến lược giữa hai bên cần phải được làm sâu sắc và gần gũi hơn trên tất cả các lĩnh vực còn rất nhiều tiềm năng, trong đó có vấn đề đầu tư và thương mại, miễn thị thực nhập cảnh, vòng đàm phán hạt nhân của Iran, tình hình Syrie, tiến trình hòa bình Trung Đông. Để thực hiện các mục tiêu đó trong những năm tới, ông Rompuy nhấn mạnh Nga và EU nhất định phải ký kết một thỏa thuận quan hệ song phương toàn diện và đầy tham vọng làm bền tảng cho sự hợp tác lâu bền. Trong khi đó, ông Yuri Ushakov, một trong những cố vấn của Điện Kremlin, cho hay Tổng thống Putin muốn thuyết phục các nhà lãnh đạo EU phải đưa ra những cam kết cụ thể về tự do hóa thị thực nhập cảnh để thúc đẩy thương mại, kinh tế và nhiều mối quan hệ khác. Ông nhấn mạnh đây là một mục tiêu cần thiết nhất tạo động lực giúp hai bên xích lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, miễn thị thực nhập cảnh là vấn đề nan giải khi EU luôn lo ngại nguy cơ làn sóng tội phạm, nhập cư trái phép từ Nga. Những thủ tục mà EU đặt ra cho chiếc vé thông hành từ Nga rất nhiêu khê. Các bất đồng khác giữa hai bên về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran, vai trò lãnh đạo của Tổng thống Syrie Bashar al-Assad, những biện pháp trừng phạt đối với Belarus, hệ thống phòng thủ tên lửa của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu do Mỹ khởi xướng, cũng tiếp tục gia tăng. Sự hội nhập và liên kết trên tất cả lĩnh vực mang lại lợi ích thiết thực là mong muốn chung của Nga và EU, nhưng lập trường và ý thức hệ của cả hai vẫn tồn tại cảnh “đồng sàng dị mộng”.

ĐỨC TRUNG (Theo RTT, Interfax)

Chia sẻ bài viết