Ước tính, thế giới hiện có khoảng 150 dự án nghiên cứu và phát triển vaccine phòng SARS-CoV-2. Trong đó, các dự án tại Đông Nam Á mang lại kết quả ban đầu đầy hứa hẹn.

Chuyên gia Singapore nghiên cứu phát triển bộ xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Asean Today
Đơn cử như tại Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) thuộc Bộ Y tế đang hợp tác với Đại học Bristol (Anh) thử nghiệm một loại vaccine ngừa COVID-19. Các thử nghiệm ban đầu mang lại nhiều hứa hẹn khi 50 con chuột được điều trị bằng loại vaccine này đã sống sót. Giai đoạn thứ hai dự kiến sẽ được bắt đầu vào tháng này, và nếu thành công, Vabiotech sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế để thực hiện các nghiên cứu sâu hơn.
Các nhà khoa học Indonesia và Thái Lan cũng đặt nhiều mục tiêu đầy tham vọng. Đầu tháng 5, Viện Sinh học phân tử Eijkman của Indonesia đã hoàn thành 3 trình tự bộ gen của chủng mới virus Corona, giúp tăng tốc độ truy tìm nguồn ngốc của dịch bệnh chết người này. Được biết, công ty dược phẩm nhà nước Indonesia Bio Farma đã mời Liên minh Đổi mới Chuẩn bị Dịch bệnh và một công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc cùng tham gia dự án này. Bio Farma là nhà sản xuất vaccine lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có khả năng sản xuất 2 tỉ liều mỗi năm. Năm 2016, Bio Farma xuất khẩu 2/3 số vaccine ngừa bại liệt của thế giới.
Nhật cho phép xét nghiệm SARS-CoV-2 qua nước bọt
Nhật Bản đã chấp thuận áp dụng phương pháp xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) dựa trên mẫu nước bọt của người nghi nhiễm SARS-CoV-2.
Thông báo của Bộ Y tế Nhật Bản ngày 2-6 cho biết phương pháp xét nghiệm PCR bằng mẫu nước bọt được áp dụng đối với những người nghi ngờ nhiễm virus trong vòng 9 ngày kể từ khi có các triệu chứng nhiễm. Quy trình xét nghiệm này đơn giản hơn so với phương pháp lấy dịch nhầy trong mũi hoặc từ vòm họng, đồng thời giúp nhân viên y tế tránh nguy cơ lây nhiễm khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Việc lấy mẫu dịch nhầy trong mũi cần phải sử dụng bông tăm đưa vào bên trong mũi, do vậy đòi hỏi nhân viên y tế cần có kỹ thuật và tay nghề thành thạo. Ngoài ra, bông tăm cũng gây kích ứng mũi khiến người được lấy mẫu dễ hắt hơi, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao cho nhân viên y tế.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định SARS-CoV-2 vẫn chưa suy yếu sau khi có thông tin của một bác sĩ hàng đầu Ý cho rằng chủng virus này đã biến đổi và yếu dần.
|
Trong khi đó, các chuyên gia Indonesia cũng đang cố gắng cho ra mắt một loại vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 12 tháng tới. Song, họ hiện đối mặt với nhiều thách thức trong việc đạt được mục tiêu đầy tham vọng này.
Tương tự, Thái Lan mới đây tuyên bố sẽ ra mắt một loại vaccine ngừa COVID-19 vào năm sau, sau khi các nhà khoa học xứ Chùa Vàng đã đạt được một số kết quả đầy hứa hẹn khi thử nghiệm trên chuột. Dự án phát triển vaccine với sự hợp tác giữa Viện Vaccine Quốc gia, Bộ Khoa học Y tế và Trung tâm nghiên cứu vaccine Đại học Chulalongkorn cũng sẽ sớm bắt đầu thử nghiệm trên khỉ. Thái Lan từng phát triển vaccine BCG ngừa bệnh lao vào năm 1953.
Còn tại Singapore, liên doanh gồm Liên minh Nghiên cứu và Công nghệ MIT (Singapore), Đại học Công nghệ Nam Dương (Trung Quốc) và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đang phát triển các bộ xét nghiệm chẩn đoán nhanh, không xâm lấn với độ chính xác cao, mang lại kết quả chỉ sau 10 phút.
Cũng tại Singapore, Tập đoàn ISDN Holdings hợp tác với Công ty ERST Project GmbH (Đức) để tạo ra các giải pháp khử trùng sáng tạo và thân thiện với môi trường. Theo Teo Cher Koon, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch của ISDN Holdings, một số sản phẩm mẫu ban đầu đã được cung cấp cho Singapore, Malaysia, Indonesia và Úc.
Một số quốc gia còn lại trong khu vực đang dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, một phần là do không có cơ sở hạ tầng y tế hoặc ngân sách cho việc nghiên cứu và phát triển vaccine. Trong khi Myanmar tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc, nơi gửi thiết bị xây dựng phòng thí nghiệm và bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19, Malaysia hợp tác với một nhóm các chuyên gia ở tỉnh Quảng Đông. Còn các chuyên gia Lào sử dụng y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị COVID-19 và đã thành công ở những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
Giới chuyên gia cho rằng sở dĩ các nước Đông Nam Á chạy đua phát triển vaccine bởi đây là một ngành kinh doanh sinh lợi vốn do các nước giàu chi phối. Thực tế, khi Công ty Moderna (Mỹ) công bố kết quả thử nghiệm vaccine đầy hứa hẹn của mình hồi tháng 5, cổ phiếu của công ty này tăng khoảng 30% trên thị trường chứng khoán New York. Trong khi đó, thách thức của các quốc gia Đông Nam Á không chỉ là phát triển vaccine mà còn đảm bảo rằng toàn khu vực này được chia sẻ, hưởng lợi từ thành quả do mình tạo ra. Không có quốc gia nào có thể đứng riêng lẻ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Mặc khác, Đông Nam Á từ lâu bị xem là nơi thừa hưởng thành tựu nghiên cứu vaccine từ các nước giàu, giờ đây khu vực này muốn chứng minh sự khác biệt trong cuộc chiến ngăn chặn SARS-CoV-2.
TRÍ VĂN (Theo Asean Today, Nikkei)