07/06/2011 - 08:26

Đối tác nhỏ, lợi ích lớn

Tổng thống Iran Mahmoud Admadinejad hôm qua đã có chuyến công du tới Thủ đô Yerevan nhằm thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác giữa Iran và nước láng giềng Armenia sau chuyến đi Tehran của người đồng nhiệm Armenia Serzh Sargsyan hồi tháng 3-2011.

Để chuẩn bị cho chuyến công du này được thành công, Ủy ban hợp tác liên chính phủ của hai nước do Bộ Ngoại giao Iran và Bộ Năng lượng Armenia làm đại diện cấp cao đã ký một bản ghi nhớ chung giúp thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực dầu khí, điện, thương mại và công nghiệp, như xây dựng đường dây tải điện chung 500-800 megawatt, phát triển đập thủy điện 180 megawatt tại vùng biên giới, triển khai dự án xây dựng đường ống dẫn dầu dài 365 km trị giá 240 triệu USD từ Iran đến Armenia. Hai bên cũng đồng ý để bộ giao thông vận tải của hai nước tính toán và định ngày ký thêm một bản ghi nhớ hợp tác xây dựng và kết nối một đường ray xe lửa dài 460 km.

Năm 2007, hai nước đã khánh thành một đường ống khí đốt giúp vận chuyển 36 triệu mét khối khí/ngày từ Iran sang Armenia và điều này giúp kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 270 triệu USD năm 2010, tăng 38% so với năm trước đó. Những thỏa thuận hợp tác mới nếu được triển khai chắc chắn sẽ giúp nâng mối quan hệ giữa hai nước lên một tầm cao mới.

Và cùng với lợi ích kinh tế được tăng cường đó, quan hệ chính trị giữa hai nước có thể sẽ gắn kết hơn. Armenia là quốc gia khu vực Kavkaz, tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Gruzia và Iran. Do mối quan hệ còn nhiều hiềm khích với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan, nên theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, “cửa ngõ” để Armenia bước ra phần còn lại của thế giới hiện thời là Gruzia và Iran. Tuy nhiên, trên thực tế Armenia có biên giới chỉ dài khoảng 40 km với Iran ở phía Nam, trong khi Karabakh - một trong hai vùng tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan - lại có đường biên giới dài hơn, tới gần 140 km, với Iran.

Lực lượng của Mỹ và đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được bố trí gần như ở tất cả các quốc gia quanh Iran – ngoại trừ ở Armenia và Karabakh. Hiện thời vùng duyên hải Azerbaijan trên biển Caspie đã được đặt dưới sự bảo vệ của lực lượng Mỹ. AFP cho rằng nếu lực lượng của phương Tây đặt chân tới Karabakh, vòng vây của Mỹ và đồng minh phương Tây quanh Iran coi như được bít kín.

Cho nên, theo nhận định của nhà phân tích người Nga Yevgeny Satanovsky, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Trung Đông, Armenia tuy là đối tác nhỏ nhưng lại có lợi ích lớn mang tầm chiến lược với Iran là vậy.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết