06/03/2016 - 08:43

Trung Quốc cắt giảm mức tăng ngân sách quốc phòng

Đổi chiều kinh tế hay thông điệp chính trị?

Trong kế hoạch ngân sách công bố tại kỳ họp quốc hội thường niên khai mạc hôm qua 5-3, chính phủ Trung Quốc cho biết chi tiêu quân sự của nước này sẽ tăng 7,6% trong năm 2016. Con số này thấp hơn dự đoán của nhiều chuyên gia và cũng là mức tăng thấp nhất trong 6 năm qua.

Với mức tăng trên, hãng tin Anh Reuters cho biết chi tiêu quốc phòng Trung Quốc năm 2016 vào khoảng 146,67 tỉ USD – bằng ¼ ngân sách mà Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất cho năm 2016 (573 tỉ USD). Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm ước tính chi tiêu quân sự thực tế của Trung Quốc phải hơn 50% so với con số ngân sách thực tế sau khi xem xét các hạng mục như nghiên cứu và phát triển quân sự, nhập khẩu vũ khí, xây dựng quân đội cùng nhiều khoản chi khác.

Quân đội Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ảnh: Reuters

Theo giới phân tích, chi tiêu quân sự Trung Quốc lần đầu tiên chỉ tăng một chữ số kể từ năm 2010 và sau hơn hai thập kỷ ngân sách quốc phòng tăng trưởng gần như liên tục ở mức 2 con số. Điều này phản ánh sự chững lại của nền kinh tế số 2 thế giới mặc dù quân đội nước này vẫn đang tăng tốc tiến trình hiện đại hóa. Theo lời phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Phó Oánh, tăng giảm chi tiêu quốc phòng chủ yếu dựa vào nhu cầu phát triển quân sự, tình trạng kinh tế và nguồn thu ngân sách. Hiện tại, chi tiêu ở tất cả các cấp chính quyền Trung Quốc đều được kiềm chế vì sự sụt giảm của nền kinh tế. Năm 2015, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,9% và dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Chính phủ Trung Quốc hôm 5-3 đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% - 7% trong năm 2016 và duy trì tỷ lệ tăng trưởng hàng năm ở mức ít nhất 6,5% cho đến năm 2020.

Tuy nhiên, Giáo sư khoa học chính trị Ni Lexiong thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải trước đó dự đoán ngân sách quốc phòng Trung Quốc phải tăng từ 12% đến 15% để đáp ứng tình hình căng thẳng khu vực thời gian gần đây. Thậm chí, ông còn cho rằng con số dưới 10% có thể "không đủ" đáp ứng mục tiêu hiện đại hóa của PLA. Hồi tuần rồi, tờ Hoàn cầu Thời báo với giọng điệu hiếu chiến cũng lên tiếng kêu gọi chi tiêu quân sự tăng 2 con số để đối phó với những gì mà tờ này gọi là "sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trên Biển Đông".

Vì vậy, trước kế hoạch giảm chi của Trung Quốc, giới chuyên gia quân sự cho rằng động thái này ngoài đáp ứng "chế độ bình thường mới" khi tăng trưởng kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc thì đây có thể là "thông điệp chính trị" gởi đến phương Tây - đặc biệt là Mỹ và các nước láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, rằng Bắc Kinh "sẵn sàng giải quyết vấn đề thông qua giải pháp hòa bình". Ngoài ra, chuyên gia Jagannath Panda thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Ấn Độ (IDSA) cho biết mục tiêu của Trung Quốc còn nhằm xoa dịu lo ngại trong khu vực, để chứng tỏ Bắc Kinh không phải là mối đe dọa an ninh mà là "đang nỗ lực hợp tác". Tuy nhiên, "sẽ không có cách nào Trung Quốc buông lỏng lập trường của họ trong vấn đề lãnh thổ và an ninh" – ông Panda nói thêm.

Theo mệnh lệnh của Chủ tịch Tập Cận Bình, PLA đã tái cấu trúc các quân khu và đang tiến hành cắt giảm 300.000 binh sĩ. Tuy nhiên, phát biểu trước quốc hội, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh dù ngân sách quốc phòng không tăng mạnh nhưng quân đội Trung Quốc vẫn "tăng cường sự chuẩn bị phối hợp tác chiến trên mọi mặt trận và mọi kịch bản". "Chúng ta sẽ tạo quân đội ngày càng cách mạng hơn, hiện đại hơn và cấu trúc tốt hơn ở tất cả khía cạnh, đồng thời tái cam kết bảo vệ an ninh quốc gia"-ông Lý hùng hồn tuyên bố.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết