Trong chuyến thăm Mát-xcơ-va tìm kiếm cơ hội làm ăn mới đây, chủ tịch tập đoàn Siemens của Đức Peter Loscher đã nhận được sự bảo đảm từ Thủ tướng Vladimir Putin về việc liên doanh thực hiện các dự án phát triển năng lượng hạt nhân với cơ quan nguyên tử Rosatom của Nga. Hai bên quyết định sẽ thành lập một nhóm làm việc chung để hoàn tất thỏa thuận hợp tác trước cuối tháng 4-2009 nhằm sớm khởi động các dự án năng lượng hạt nhân tại Nga, Đức cũng như các nước thứ ba.
Theo tờ Le Monde, sở dĩ Siemens bắt tay với Nga trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì quá thất vọng trước quyết định của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hồi năm 2007. Theo đó, ông chủ Điện Élysée đã tước quyền liên doanh giữa Siemens và tập đoàn năng lượng hạt nhân Areva, với lý do luật pháp Đức cấm phát triển thêm năng lượng hạt nhân và dự kiến sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy hạt nhân vào năm 2021. Thế nhưng, người ta cho rằng mục tiêu thật sự của Paris là gạt Siemens ra khỏi lĩnh vực kinh tế đầy tiềm năng sinh lợi này, để Areva hưởng trọn một mình.
Về phần mình, theo các nhà quan sát, Rosatom của Nga dường như đang bị cô lập tại các nước phương Tây, nhất là từ khi Washington hủy bỏ thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Mát-xcơ-va sau “cuộc chiến 5 ngày” giữa Nga và Gruzia hồi tháng 8 năm ngoái. Cho nên, Rosatom từ lâu đã chờ đợi một đối tác chiến lược có tầm cỡ từ các quốc gia công nghiệp phát triển để có thể mở rộng thị trường năng lượng hạt nhân, đủ sức cạnh tranh ngày càng quyết liệt với những gã khổng lồ như Areva, General Electric (Mỹ) hay Toshiba Westinghouse (Nhật).
Bên cạnh năng lượng hạt nhân, Siemens còn muốn tham gia lĩnh vực đường sắt và xe lửa tại Nga, nơi mà tập đoàn Alstom của Pháp đang nỗ lực thâm nhập. Trong khi đó, tập đoàn khí đốt số một thế giới Gazprom của Nga hy vọng sau khi “bén rễ” tại xứ sở bạch dương, Siemens sẽ tích cực hỗ trợ Gazprom thực hiện các đường ống dẫn khí đi từ Nga sang Tây Âu đã được Thủ tướng Angela Merkel tán thành.
Rõ ràng, trong thời buổi tự do hóa thương mại toàn cầu hiện nay, Siemens và Rosatom phải hợp sức tìm kiếm cơ hội phát triển trước sự ngăn cấm hoặc cạnh tranh không lành mạnh từ bên ngoài. Sự hợp tác giữa một bên có trình độ công nghệ tiên tiến và một bên có tiềm lực tài chính sẽ giúp đôi bên cùng thắng.
PHÚC KIẾN (Theo Le Monde)