18/07/2015 - 17:29

Doanh nghiệp Nhật tìm đường xuất khẩu vũ khí

Sau khi Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí tồn tại suốt gần 50 năm qua, các nhà thầu quân sự nước này dù tỏ ra thận trọng, song cũng không giấu ý định mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Vốn nổi tiếng với các dòng xe máy, máy giặt và máy tính xách tay, các công ty lớn nhất của Nhật Bản như Mitsubishi, Kawasaki, Hitachi và Toshiba đang hướng đến việc chế tạo các tàu ngầm tấn công chạy êm, máy bay tìm kiếm cứu nạn hoặc hệ thống radar gắn trên tàu giúp chỉ điểm kẻ địch bằng tia laser. Minh chứng rõ nhất cho điều này là cuộc triển lãm an ninh hàng hải được tổ chức tại thành phố Yokohama hồi tháng 5 vừa rồi, nơi lần đầu tiên trưng bày các loại vũ khí do chính các công ty Nhật Bản sản xuất. "Tôi chưa bao giờ thấy chúng"- Mick Fairweather, Thiếu tướng và là chuyên gia mua sắm khí tài của lực lượng vũ trang Úc, chia sẻ.

Mô hình máy bay tuần tra biển P-1 của Kawasaki tại cuộc triển lãm an ninh hàng hải hồi tháng 5. Ảnh: NY Times         

Việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí hồi năm rồi được xem là một phần trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm nới lỏng những hạn chế đối với sức mạnh của quân đội Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ hai. Dù vấp phải sự phản đối từ dư luận trong nước, ông Abe cho rằng những thay đổi trên lẽ ra phải diễn ra sớm hơn. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự đã góp thêm sức thuyết phục cho những lý lẽ của ông Abe. Theo Thời báo New York, nhà lãnh đạo Nhật Bản đang tăng cường mua bán thiết bị quân sự nhằm thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực vốn có chung nỗi lo với Tokyo về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trong đó, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ là những khách hàng tiềm năng hàng đầu của Tokyo. Hồi tháng rồi, Nhật Bản đã bắt đầu thảo luận các hợp đồng mua bán vũ khí với Malaysia và Philippines. Hiện Ấn Độ rất quan tâm tới thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Tập đoàn Công nghiệp ShinMaywa sản xuất bởi nó có thể giúp hải quân nước này tuần tra các chuỗi đảo xa đất liền hàng trăm dặm, như Andaman và Nicobar trên Ấn Độ Dương. Ngoài ra, Nhật cũng hy vọng Úc sẽ là thị trường đón nhận các tàu ngầm lớp Soryu do Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi và Công ty đóng tàu Kawasaki sản xuất. Các tàu ngầm này trị giá khoảng 50 tỉ yen (tương đương 410 triệu USD)/chiếc, sử dụng động cơ điện- diesel ít gây tiếng ồn, khiến kẻ địch khó phát hiện. Chưa hết, Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi cũng đang phát triển mẫu thử nghiệm tàu tấn công đổ bộ dùng để đưa quân tới các khu vực bờ biển của đối phương, về lâu dài có thể cạnh tranh với những phương tiện do Mỹ sản xuất và đang được thủy quân lục chiến Mỹ sử dụng.

Song song đó, nhằm kích thích thị trường xuất khẩu vũ khí, Nhật còn đưa ra các gói hỗ trợ tài chính cho khách hàng. Ví dụ như bảo đảm tín dụng sẽ giúp các nước đang phát triển mua vũ khí của Tokyo dễ hơn qua việc hạ lãi suất cho vay.

THANH BÌNH (Theo NY Times)

Chia sẻ bài viết