08/09/2009 - 09:15

Do đâu nội bộ NATO rạn nứt ?

Tướng McChrystal (giữa) và Đại tá Klein (trái, bị khuất nắng) trong tấm hình của Washingtonpost bị Đức chỉ trích.

Ngày 6-9, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Anh Gordon Brown đã kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế nhằm thảo luận kế hoạch thay đổi trách nhiệm an ninh của họ trong cuộc chiến ở Afghanistan. Người phát ngôn chính phủ Đức cho biết Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng nhất trí với ý tưởng này.

Theo bà Merkel, hội nghị sẽ bàn cách “để Kabul có trách nhiệm nhiều hơn” đối với an ninh của đất nước. Còn các đồng minh chủ chốt sẽ tìm cách giảm quân số ở Afghanistan. Hội nghị sẽ diễn ra vào “thời điểm nào đó trong năm nay” sau khi chính quyền mới ở Afghanitan được thành lập (cử tri đi bỏ phiếu hồi tháng rồi, nhưng kiểm phiếu kéo dài do các cáo buộc gian lận).

Mỹ chưa đưa ra bình luận gì, nhưng đề nghị trên có thể làm căng thẳng quan hệ giữa Washington với các đồng minh quan trọng nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hiện NATO đang tiến hành điều tra vụ không kích của liên quân hồi cuối tuần qua ở thành phố Kunduz, miền Bắc Afghanistan, để xác định xem lỗi thuộc về Mỹ hay Đức. Vụ việc xảy ra khi lực lượng nổi dậy Taliban đánh cắp 2 xe bồn chở nhiên liệu. Lo ngại chúng có thể dùng 2 xe này làm vũ khí tấn công tự sát nhằm vào lính Đức ở đây, Đại tá Georg Klein, chỉ huy căn cứ quân đội Đức tại Kunduz, đã yêu cầu một máy bay chiến đấu Mỹ không kích và kết quả là có nhiều người thiệt mạng.

Cuộc điều tra mới bắt đầu nhưng cả Đức và Mỹ đều lên tiếng bảo vệ mình. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Franz Josef Jung nói rằng Đức có thông tin xác thực rằng Taliban đánh cắp xe nhiên liệu để tấn công căn cứ của họ ở Kunduz, cách đó khoảng 6 km. Ông Jung còn chỉ trích Mỹ đã tiết lộ thông tin cho báo chí và phản ứng mạnh với tờ Washingtonpost khi đăng hình chỉ huy Mỹ ở Afghanistan sáng hơn chỉ huy Đức.

Trong khi đó, Chuẩn đô đốc Gregory Smith, người phát ngôn NATO ở Afghanistan, cho rằng binh sĩ Đức đã mất quá nhiều thời gian trước khi tới hiện trường sau khi không kích để Taliban có thể tạo chứng cứ giả. Tướng Stanley McChrystal, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Afghanistan, tra vấn ông Klein rằng vì sao đơn vị ông không đến nhanh hơn. Hồi tháng 6 vừa qua, ngay sau khi nhậm chức, Tướng McChrystal đã thắt chặt các quy định về không kích, do trước đó vấp phải phản ứng giận dữ của người dân Afghanistan. Các quan chức Mỹ hoài nghi liệu lệnh tấn công hôm 4-9 của chỉ huy quân Đức có tuân thủ các quy định đó hay không. Lâu nay quân đội Đức vẫn bị chỉ trích là thiếu kinh nghiệm và “trốn tránh” chiến đấu.

Các nước NATO khác cũng chỉ trích chính quyền bà Merkel không làm hết sức khi để Quốc hội hạn chế hoạt động của 4.200 binh sĩ Đức ở Afghanistan. Khảo sát dư luận cho thấy 2/3 dân Đức phản đối sứ mệnh ở Afghanistan, sau khi có 35 binh sĩ của họ thiệt mạng.

Trong khi đó, Thủ tướng Brown đang chịu sức ép phải giải trình về sự góp mặt 9.000 quân ở Afghanistan trong 8 năm qua và đã có 212 lính Anh thiệt mạng.

Các nhà phân tích cho rằng không phải chỉ vì vụ không kích làm thiệt mạng nhiều thường dân Afghanistan khiến chính phủ nước này cực lực phản đối mới làm nội bộ NATO lủng củng. Thực ra chính sự sa lầy, không lối thoát ở chiến trường Afghanistan mà nội bộ NATO đã từ lâu rạn nứt.

N.MINH
(Theo AP, LA Times, Washingtonpost)

Chia sẻ bài viết