20/01/2013 - 18:09

Đồng minh trở chứng

Thủ tướng Israel Netanyahu trong một chiến dịch vận động tranh cử. Ảnh: Reuters

Mối quan hệ đồng minh vốn hục hặc giữa Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp bước sang một giai đoạn căng thẳng mới sau lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai của ông Obama trong ngày hôm nay 21-1 và chiến thắng được dự đoán là "khó lọt khỏi tầm tay" của Netanyahu trong cuộc bầu cử vào ngày 22-1.

Báo Anh Guardian hôm qua cho biết, nhiều phụ tá của ông Netanyahu đã lên tiếng tố cáo ông Obama "can thiệp cuộc bầu cử ở Israel" sau khi Jefffrey Goldberg, một nhân vật có quan hệ gần gũi với Tổng thống Obama, viết một bài báo đăng tải trên các phương tiện truyền thông của Mỹ, dẫn lời ông chủ Nhà Trắng chê trách Netanyahu là "một chính trị gia nhút nhát" trong vấn đề hòa đàm với người Palestine và rằng "Israel không biết đâu là lợi ích tốt nhất của chính họ".

Goldberg viết rằng Israel có nguy cơ trở thành một quốc gia cô độc và rằng ông Obama khó lòng có những nỗ lực mới cho tiến trình hòa bình Trung Đông khi Netanyahu vẫn duy trì chính sách mở rộng các khu định cư Do Thái trên vùng đất chiếm đóng trái phép của người Palestine.

"Trong vấn đề có liên quan đến người Palestine, Tổng thống Obama dường như xem Thủ tướng Netanyahu là chính trị gia nhút nhát, một nhà lãnh đạo không dám đương đầu với thách thức để tìm kiếm giải pháp trên bàn thương lượng. Nếu Israel không coi trọng cuộc sống của người dân Palestine, một ngày nào đó thế giới sẽ coi họ là một nhà nước theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc"- Goldberg viết.

Dư luận chính giới Israel cho rằng nhà lãnh đạo của Mỹ đang "trả đòn" bởi ông Netanyahu từng công khai ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney, đối thủ của ông Obama, trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm ngoái. Mới đây nhất, ông Obama còn đề cử Chuck Hagel, một nhân vật có quan điểm "chống Israel" và là "cái gai" trong mắt nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel ở Mỹ AIPAC, làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Bài báo của Goldberg và việc Hagel đứng đầu Lầu Năm Góc được "diễn giải" ở Israel là "những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự bất mãn của nhà lãnh đạo Mỹ đối với Netanyahu". "Barack Obama đã nói, đơn giản và rõ ràng những gì ông nghĩ về Thủ tướng của Israel. Đó là những phát biểu can đảm và có ý cảnh báo mà trước đây chưa từng có"-Alon Pinkas, một cựu quan chức ngoại giao Israel, viết trên tờ Yedioth Ahronoth.

Netanyahu được dự đoán là sẽ tiếp tục làm Thủ tướng Israel sau cuộc bầu cử ngày 22-1, cuộc bầu cử mà nhiều người lo là phái ủng hộ người định cư Do Thái sẽ mạnh hơn trong Quốc hội Israel. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết Netanyahu sẽ vẫn giữ ít nhất một đảng theo đường lối trung dung trong chính phủ liên minh mới, một phần cũng là nhằm làm "mát lòng" chính quyền Obama.

Thủ tướng Israel có kế hoạch thăm Washington vào tháng 3 tới để tham dự cuộc gặp thường niên với AIPAC. Obama và Netanyahu đã không gặp nhau trong chuyến công du Mỹ của Netanyahu hồi tháng 9 năm rồi mà dư luận cho là "sự hắt hủi của Nhà Trắng". Obama cũng chưa một lần đến Israel kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng cách đây 4 năm.

"Chúng ta không thể mất sự ủng hộ của Mỹ. Israel có lợi thế trên trường quốc tế là nhờ sự ủng hộ của Mỹ. Không có sự ủng hộ của Mỹ, sẽ rất khó cho chúng ta. Chúng ta sẽ như một cây cô độc trên sa mạc"- Tổng thống Israel Shimon Peres đã nói như thế trước báo giới nước nhà trước khi tiếp phái đoàn các thượng nghị sĩ Mỹ do John McCain dẫu đầu thăm Jerusalem hôm 19-1 vừa qua nhằm bàn biện pháp thúc đẩy mối quan hệ chiến lược vốn hay trở chứng nóng lạnh bất thường giữa Mỹ và Israel.

NHẬT QUANG

Thủ tướng Israel Netanyahu trong một chiến dịch vận động tranh cử. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết