04/03/2008 - 09:47

Dmitry Medvedev - Sự lựa chọn của nước Nga

Tổng thống Putin (trái) và người kế nhiệm Medvedev mừng chiến thắng tại Quảng trường Đỏ hôm 2-3. Ảnh: Reuters

Không nằm ngoài dự đoán, Phó Thủ tướng thứ nhất Dmitry Medvedev giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga hôm 2-3. Sau khi kiểm 99,4% số phiếu, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga cho biết ông Medvedev nhận được 70,23% phiếu bầu, bỏ xa người về nhì là Chủ tịch đảng Cộng sản Gennady Zyuganov chỉ được 18%. Ngày 7-5 tới, ông Medvedev, 42 tuổi, sẽ chính thức trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất nước Nga kể từ Cách mạng Tháng Mười năm 1917.

Giải thích cho sự lựa chọn ông Medvedev của người dân Nga, Masha Lipman, nhà phân tích tại Viện Carnegie, cho rằng đó là nhờ sự gần gũi và tin tưởng của Tổng thống Vladimir Putin đối với ông Medvedev. “Mọi người dân Nga đều muốn đất nước đi theo xu hướng hiện nay và tất nhiên ông Medvedev là sự lựa chọn tốt nhất”, một phụ nữ tên Leanna nói với hãng tin Mỹ ABC. Người Nga tin rằng ông Medvedev sẽ khôi phục vị thế nước Nga trên thế giới.

Vấn đề được dư luận thế giới quan tâm sau cuộc bầu cử là vị trí mới của Tổng thống Putin đã được ông Medvedev giải đáp khi nhắc lại việc đề cử người tiền nhiệm vào chiếc ghế Thủ tướng. Về việc ai sẽ đảm đương các vấn đề đối ngoại, ông Medvedev khẳng định: “Theo Hiến pháp Nga, Tổng thống sẽ xác định chính sách ngoại giao”. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại vai trò của ông Medvedev sẽ không rõ ràng so với ông Putin và “bài kiểm tra” đầu tiên dành cho ông Medvedev là tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G8) vào tháng 7 tới.

NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA PUTIN VÀ MEDVEDEV Hai ông Putin và Medvedev cùng học luật tại Leningrad, nay là Saint Petersburg, nhưng sau đó ông Putin phục vụ cho Cơ quan Tình báo Nga (KGB), còn ông Medvedev ở lại trường giảng dạy. Ông Medvedev có kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp tư nhân, trong khi ông Putin thì không. Về phong cách: so với ông Putin, ông Medvedev ôn hòa và dè dặt hơn. Trong khi ông Putin sử dụng lời lẽ mạnh mẽ, ông Medvedev dùng từ “sách vở” hơn. Về chính sách: ông Putin tạo dựng hình ảnh là nhà lãnh đạo cứng rắn, quan tâm nhiều về an ninh và sức mạnh của Nga, còn ông Medvedev chú trọng tính hiệu quả của luật pháp và tòa án độc lập, cũng như phát triển kinh doanh và cải thiện an sinh xã hội.

Thắng lợi của ông Medvedev dường như là thách thức lớn đối với phương Tây. Mối quan hệ đang dần xấu đi giữa Nga với phương Tây xung quanh các vấn đề như chương trình hạt nhân của Iran, tỉnh Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia và kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và Cộng hòa Czech, có rất ít hy vọng chuyển biến khi ông Medvedev lên nắm quyền. Ông Medvedev cho biết tiếp tục ủng hộ chính sách vũ trang mạnh cho các nước láng giềng thân Nga, đối phó các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây đã gia nhập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và duy trì quan hệ bình thường với các nước “thù địch” với Mỹ như Iran và Syrie. Đối với Mỹ, ông Medvedev từ chối đưa ra hy vọng về mối quan hệ “ấm” hơn khi Tổng thống George Bush mãn nhiệm vào đầu năm tới. Hai ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ là Barack Obama và Hillary Clinton cũng tỏ thái độ dè dặt đối với thang lợi của ông Medvedev.

• N.MINH

(Theo AFP, BBC, IHT, AP)

Chia sẻ bài viết