Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Yoshio Hachiro tối 10-9 đã xin từ chức và được Thủ tướng Yoshihiko Noda chấp nhận. Lý do là vì một ngày trước đó, khi tới thăm tỉnh Fukushima, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa động đất-sóng thần-hạt nhân ngày 11- 3, ông đã gọi khu vực xung quanh nhà máy điện nguyên tử Fukushima số 1 là “thành phố ma”. Trước đó nữa, ông đùa là sẽ truyền phóng xạ từ áo khoác của mình sang một ký giả. Những phát ngôn này đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận xứ Phù Tang- vốn vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau mất mát do thảm họa kinh hoàng. Không chỉ phe đối lập mà ngay cả không ít chính khách trong đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền cũng lập tức yêu cầu ông Hachiro từ chức.
Như vậy, chính phủ của Thủ tướng Noda đã bị “sứt mẻ” ngay khi mới chỉ một tuần tuổi. Trước mắt, Chánh văn phòng nội các Osamu Fujimura kiêm nhiệm vị trí của ông Hachiro trong thời gian tìm người thay thế. Cũng nên nhắc lại là những phát biểu thiếu thận trọng liên quan đến vụ 11-3 từng khiến Bộ trưởng Tái thiết Ryu Matsumoto phải ra đi hồi tháng 7 vừa qua, góp phần rút ngắn thời gian cầm quyền của Thủ tướng Naoto Kan, người tiền nhiệm của ông Noda.
Thật ra, khi ông Noda công bố thành phần nội các hôm 2-9, lời khen thì nhiều mà chê bai cũng không ít. Những người tán thành đánh giá cao việc có nhiều bộ trưởng trẻ, mới “trạc ngoại tứ tuần” như Bộ trưởng Tài chính Jun Azumi 49 tuổi hay Ngoại trưởng Koichiro Gemba 47 tuổi. Họ cũng cho rằng ông Noda đã khéo léo thành lập một nội các cân bằng nhằm dung hòa quyền lợi giữa các phe phái trong DPJ. Trong khi đó, những người khác tỏ ra lo ngại việc giao hai bộ cực kỳ quan trọng là tài chính và ngoại giao vào tay các chính khách chưa có nhiều kinh nghiệm, trong lúc kinh tế Nhật đang hết sức khó khăn, còn bang giao với các láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga không mấy thuận lợi do tranh chấp lãnh thổ. Ngoài ra, việc bổ nhiệm ông Yasuo Ichikawa làm bộ trưởng quốc phòng cũng gây nhiều tranh cãi. Ngay sau khi tân nội các ra mắt, đảng Dân chủ Tự do, đảng đối lập chính ở Nhật, đã yêu cầu Thủ tướng Noda bãi nhiệm Ichikawa vì chính ông này thừa nhận với báo giới rằng mình là “dân tay ngang” trong lĩnh vực an ninh. Rõ ràng, sơ suất trong lời ăn tiếng nói không phải chỉ có mình Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hachiro.
Việc ông Hachiro ra đi có thể không ảnh hưởng lớn tới Thủ tướng Noda, nhưng chắc chắn nó là một điểm trừ cho tân nội các mà theo cuộc khảo sát hồi đầu tuần rồi nhận được sự ủng hộ của tới 65% dân chúng, mức cao thứ năm kể từ khi báo Yomiuri Shimbun thực hiện các cuộc thăm dò như vậy từ cuối thập niên 1970.
LÊ DÂN