07/02/2017 - 10:34

Để học sinh đi đúng hướng

Chọn đúng ngành nghề yêu thích, phù hợp với năng lực là nền tảng để học sinh phát triển. Thời gian qua, các trường THPT, cơ sở giáo dục đại học ở TP Cần Thơ luôn nỗ lực tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh chọn lựa ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, công việc này còn đòi hỏi sự cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía.

Bạn Nguyễn Trần Lệ Trâm, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, cho biết: "Em học khá giỏi các môn học khoa học tự nhiên. Em dự định thi ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT). Vì thế, em đang dồn sức ôn tập các môn khối B. Đây là ngành học em yêu thích, phù hợp năng lực". Còn bạn Lâm Khang, học sinh lớp 12A2, "nhắm" ngành Kế toán nên từ các năm THPT, Khang ôn luyện kỹ các môn Toán, Lý, Hóa, Văn. Lâm Khang nói: "Với lợi thế học khá đều các môn tự nhiên lẫn xã hội, em đăng ký thi thêm ngành Luật, hy vọng cơ hội trúng tuyển cao". Theo Trâm và Khang, trước đây, việc chọn ngành nghề còn mờ nhạt nhưng từ khi tham gia các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp do nhà trường tổ chức và được các thầy, cô tư vấn, giải đáp thắc mắc về ngành nghề tương lai, giúp hai bạn định hướng, chọn lựa ngành nghề phù hợp với bản thân, gia cảnh.

Học sinh TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tìm hiểu thông tin tuyển sinh của Trường ĐHCT.

Theo thầy Võ Đức Chỉnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, bên cạnh lồng ghép hướng nghiệp như vào các giờ: sinh hoạt dưới cờ, dạy và học hướng nghiệp, sinh hoạt chủ nhiệm…, trường định kỳ tổ chức tọa đàm 2 lần/năm với sự tham gia của cán bộ một số trường đại học trong thành phố để giải đáp thắc mắc, giúp học sinh định hướng nghề nghiệp phù hợp. Với cách làm này, vài năm gần đây, học sinh có sự chuyển biến chọn học cao đẳng, nghề, không phải khăng khăng chọn vào đại học. Thầy Chỉnh nói: "Điểm mới của quy chế năm nay, học sinh đăng ký dự tuyển vào ngành học trước khi thi THPT. Tuy nhiên, sau khi có kết quả thi THPT, các em có thể điều chỉnh ngành học phù hợp với điểm số các tổ hợp môn thi cũng như cân nhắc chọn ngành yêu thích hơn".

Một số trường THPT khác như: Nguyễn Việt Dũng, Lưu Hữu Phước, Thới Lai, Thốt Nốt… đã và đang đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, giúp học sinh chọn lựa ngành nghề phù hợp. Trường THPT Trần Đại Nghĩa tập trung hướng nghiệp cho học sinh lớp 10, 11 và 12 (nhất là khối 12), trường chia nhỏ từng lớp để giới thiệu tổng quan các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, trường tổ chức cho học sinh tham quan cơ sở vật chất của các trường cao đẳng, trường nghề ở TP Cần Thơ. Tương tự, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng thường phối hợp với một số trường ĐH tổ chức đưa học sinh lớp 12 tham quan các khoa, phòng, bộ môn hoặc tham gia Ngày hội tư vấn định hướng nghiệp tổ chức tại Trường ĐHCT, với phương châm "trăm nghe không bằng một thấy"…

Từ tháng 2 đến tháng 3, một số trường: Cao đẳng (CĐ) Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Nghề Cần Thơ, CĐ Cần Thơ… tổ chức hướng nghiệp, thậm chí "đưa trường" đến với thí sinh. Cô Phan Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Cần Thơ, cho biết: Năm nay, trường sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Dự kiến, trường sẽ tổ chức đoàn đến các trường THPT ở TP Cần Thơ và một số tỉnh lân cận ĐBSCL để tư vấn, giúp học sinh định hướng ngành nghề phù hợp.

Nỗ lực chung của các trường trong đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức chọn ngành nghề phù hợp của học sinh. Thế nhưng, sự chuyển biến còn chậm. Minh chứng là có nhiều học sinh tuy học lực thuộc dạng trung bình vẫn mong ước có "tấm vé" vào ĐH. Bạn Ng. Tr. Phú (huyện Cờ Đỏ), đang học năm thứ 2 trường cao đẳng ở TP Cần Thơ vẫn nuôi chí ôn luyện để mong trúng tuyển vào Trường ĐHCT, với lý do học đại học để có cơ hội tìm được việc làm với mức lương cao. Một khía cạnh khác, giờ hướng nghiệp ở trường phổ thông chỉ là môn học điều kiện, không phải môn thi bắt buộc nên một số trường ít chú trọng; việc hướng nghiệp chủ yếu tập trung nhiều ở khối lớp 12. Đó là chưa kể thời gian dạy môn hướng nghiệp ít, nội dung chương trình chưa thật sự hấp dẫn, cán bộ phụ trách hướng nghiệp đa phần là kiêm nhiệm… nên công tác này còn nhiều hạn chế.

Theo cô Phan Thị Thùy Trang, một bộ phận học sinh, phụ huynh còn trọng bằng cấp, chọn vào đại học, trong khi năng lực, điều kiện kinh tế không đáp ứng yêu cầu. Nhiều học sinh chưa định hướng đúng ngành nghề phù hợp, chọn theo số đông, cảm tính… Do vậy, để hoạt động hướng nghiệp thật sự hiệu quả, đòi hỏi có sự thay đổi mạnh mẽ về nguồn lực, nhất là sự quan tâm của gia đình và xã hội trong việc định hướng nghề nghiệp phù hợp với học sinh.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết