11/01/2016 - 20:55

Đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ và Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; tâm huyết của cán bộ, hội viên, gia đình, dòng họ…, phong trào khuyến học ở TP Cần Thơ có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững. Qua đó góp phần quan trọng vận động toàn xã hội quan tâm sự nghiệp "trồng người".

Chung tay khuyến học

Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố trao Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học cho tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác khuyến học khuyến tài. 

15 năm qua, Hội Khuyến học có mặt mọi nơi, thực hiện nhiệm vụ chính trị khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân có cách gây quỹ khuyến học hiệu quả, thiết thực. Cụ thể, những sáng kiến lập ra các Quỹ học bổng mang tên các danh nhân như: Quỹ khuyến học Bùi Hữu Nghĩa, Hà Huy Giáp, Phan Văn Trị…, vận động nhiều doanh nghiệp, công ty, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ, làm dồi dào nguồn quỹ. Đến hẹn lại lên, hằng năm, vào ngày Húy kỵ của Cố Hòa thượng Trụ trì (từ 27-11 âm lịch), nhiều gia đình tập trung khui heo đất tại Chùa Phật học (quận Ninh Kiều), góp phần giúp học sinh nghèo vững bước đến trường. Bà Hồ Tuyết Vân, phật tử Chùa Phật học, cho biết: "Nhiều năm qua, gia đình tôi cố gắng duy trì việc nuôi heo đất gây quỹ khuyến học. Đây là việc làm rất thiết thực, vừa giúp học sinh nghèo tiếp tục có cơ hội đến trường, vừa hướng con cái biết yêu thương và chia sẻ với những người kém may mắn".

Chương trình 3 đủ (đủ sách vở, đủ ăn, đủ mặc) của ngành giáo dục thành phố nhằm hỗ trợ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện cắp sách đến trường. Nhiều năm qua, thành phố luôn nỗ lực để hạn chế tình trạng học sinh không đến lớp vì điều kiện khó khăn, không có tiền đóng học phí. Các trường còn vận động giáo viên đỡ đầu, giúp đỡ học sinh có điều kiện khó khăn, học lực yếu… Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, cho biết: "Thời gian tới, cần củng cố chi hội khuyến học các khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học là trọng tâm, phát triển hạt nhân phong trào làm nòng cốt, nâng cao chất lượng công tác khuyến học, khuyến tài…".

Với tiêu chí trao học bổng "Vượt khó học tốt" đúng nghĩa nên hoạt động của Hội Khuyến học trường THPT Nguyễn Việt Hồng (quận Ninh Kiều) không chỉ phát học bổng hằng tháng cho học sinh mà quan trọng là tạo điều kiện tốt để học sinh phấn đấu vượt khó, học tập tiến bộ. Ban chấp hành Hội Khuyến học trường phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và đoàn thể theo dõi, kiểm tra, kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục khó khăn, vươn lên học tốt. Mỗi tháng học sinh nhận học bổng báo cáo kết quả học tập, Ban chấp hành sẽ chấn chỉnh, uốn nắn các em về đạo đức tác phong cũng như việc học tập.

Cùng với các địa phương, huyện Vĩnh Thạnh đưa nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào nghị quyết thực hiện nhiệm vụ hằng năm. Đồng thời chỉ đạo hệ thống dân vận, mặt trận và các đoàn thể tăng cường phối hợp, phát huy tốt vai trò trong tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân tích cực tham gia các phong trào khuyến học, khuyến tài.

Góp sức xây dựng xã hội học tập

Hội Khuyến học TP Cần Thơ xác định, muốn xây dựng xã hội học tập thì phải phát triển gia đình hiếu học, phong trào xây dựng gia đình hiếu học để tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ. 5 năm qua (2010-2015), từ 75.000 gia đình hiếu học của thành phố tăng lên 183.582 gia đình, trong đó biểu dương gia đình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, là niềm vinh dự cho các gia đình, khơi dậy truyền thống hiếu học, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Đơn cử gia đình ông Huỳnh Văn Lượng (xã Trường Thành, huyện Thới Lai) tuy không khá giả nhưng nỗ lực lo cho 7 người con học xong đại học. Sau tốt nghiệp, các con ông Lượng có việc làm ổn định, giúp gia đình từ nghèo khó trở nên khá giả. Ở miền đất học Vĩnh Thạnh, số lượng sinh viên ngày càng tăng (từ dưới 100 sinh viên/10.000 dân năm 2004, đến nay là 250 sinh viên/10.000 dân); số lượng và chất lượng học sinh giỏi được nâng lên, hằng năm có học sinh giỏi cấp quốc gia và học sinh đủ điều kiện du học nước ngoài. 11 Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn của huyện hoạt động đạt hiệu quả tích cực, bước đầu hình thành mô hình xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu người dân. Điển hình như: xã Thạnh Thắng, thị trấn Thạnh An huy động xã hội hóa tổ chức tôn giáo tham gia đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, mời gọi lực lượng giáo viên và chủ động mở nhiều lớp học. Hoặc các Câu lạc bộ học sinh nghèo vượt khó, học tốt; lớp học tình thương Trường THCS Hưng Phú (quận Cái Răng) phát huy tinh thần hiếu học, động viên học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học yếu vươn lên vượt khó, tiến bộ trong học tập…

Thời gian qua, Hội khuyến học các cấp tích cực vận động xây dựng các Trung tâm học tập cộng đồng để thu hút người dân tham gia, có thể cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, tình hình kinh tế - xã hội, để không lạc hậu với thời đại, đáp ứng nhu cầu "cần gì học nấy". Đồng thời các tổ chức tôn giáo như: đồng bào công giáo huyện Vĩnh Thạnh, Phật giáo quận Ninh Kiều, đồng bào Khmer quận Ô Môn… tổ chức nhiều hình thức khuyến học, khuyến tài. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ mở các lớp học với nội dung và hình thức học tập phong phú, đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, huy động đông đảo người dân tham gia.

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết