10/12/2012 - 21:18

CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC Ở CẦN THƠ

Đẩy mạnh hợp tác đào tạo để nâng cao chất lượng

10 năm trở lại đây, mạng lưới cơ sở giáo dục đại học tại TP Cần Thơ phát triển khá mạnh về qui mô lẫn ngành nghề đào tạo. Điều này đã giúp người dân Cần Thơ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn. Thế nhưng, theo đánh giá của các nhà quản lý giáo dục, hoạt động đào tạo ở các trường vẫn chưa phát huy hiệu quả. Khó khăn về nguồn lực con người, cơ sở vật chất luôn là bài toán khó đối với các trường, cần sớm tháo gỡ.

Các cơ sở giáo dục: "Vướng" đất, thiếu vốn

Giờ thực hành tin học của sinh viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Ảnh: B.NG 

TP Cần Thơ hiện có 8 trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ); trong đó có 3 trường ĐH (Cần Thơ, Y Dược Cần Thơ và Tây Đô). Ngoài ra còn có Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ và Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh (cơ sở tại TP Cần Thơ). Năm học 2011-2012, các trường có hơn 3.590 cán bộ, viên chức, với quy mô đào tạo hơn 87.600 sinh viên; trong đó có trên 47.300 sinh viên hệ chính qui. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, các trường đã không ngừng đầu tư nguồn lực, mở rộng qui mô và đa dạng hóa các loại hình đào tạo. Nổi bật Trường ĐH Cần Thơ, trường ĐH lớn nhất vùng ĐBSCL- đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nâng cấp thành ĐH tầm cỡ Đông Nam Á. Năm 2012, trường mở 2 ngành học mới bậc tiến sĩ. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ dự kiến mở thêm 4 chuyên ngành mới bậc thạc sĩ, tiến sĩ trong năm 2013...

Những năm gần đây, mạng lưới các sơ sở giáo dục ĐH ở TP Cần Thơ phát triển khá mạnh về qui mô, ngành nghề đào tạo. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các trường, nhất là các cơ sở mới thành lập đều thiếu kinh phí, diện tích đất để xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất. Đơn cử như Trường CĐ Y tế Cần Thơ, hiện đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất do giải phóng mặt bằng đường Nguyễn Văn Cừ. Trong khi đó, qui mô đào tạo của trường hơn 3.000 học sinh, sinh viên. Vì thế, trường phải bố trí một số lớp học vào ban đêm. Trường không đủ phòng để triển khai thực hành, thực tập mặc dù có đủ trang thiết bị, mô hình, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Tương tự, Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ, được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ vào tháng 4-2010, nhưng vẫn chưa thể "lên" ĐH được vì còn thiếu cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Mặc dù, thành phố đã qui hoạch xây dựng cơ sở 2 của Trường ĐH Kỹ thuật-Công nghệ tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, nhưng chưa xây dựng được do chưa có kinh phí bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng. Riêng với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, đề án xây dựng mở rộng cơ sở vật chất của trường thực hiện 2/3 nhưng hiện vẫn "vướng" khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng…

Điều đáng lo ngại là vấn đề đào tạo sinh viên ở lĩnh vực khoa học sức khoẻ ở các trường, bởi hầu hết các cơ sở đều thiếu cơ sở thực hành thực tập, đội ngũ giảng viên. Theo PGS.TS Phạm Hùng Lực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, 3 năm gần đây ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, nhiều trường ĐH, CĐ và trung cấp đều có mở mã ngành khoa học sức khoẻ, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Tuy nhiên, việc đào tạo các ngành lĩnh vực khoa học sức khoẻ khác so với các ngành nghề khác, cả về môi trường học tập. Các ngành khoa học sức khoẻ đòi hỏi phải đi thực tập, thực tế ở các bệnh viện; trong khi đó qui mô đào tạo ở các trường tăng cao so với sự phát triển hệ thống bệnh viện trong thành phố, dẫn đến quá tải. Nguồn lực cơ sở thực hành của các trường lại có hạn, điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Thực tế cho thấy, ngoài ĐH Y Dược Cần Thơ, CĐ Y tế Cần Thơ là cơ sở đào tạo chuyên ngành khoa học sức khoẻ khá lâu, 3 năm qua, TP Cần Thơ có ít nhất 5 cơ sở giáo dục có đào tạo lĩnh vực này, như: ĐH Tây Đô, Trung cấp Y dược Mekong, Trung cấp Miền Tây, Trung cấp Phạm Ngọc Thạch…

Cần sự hợp tác trong đào tạo

PGS.TS Phạm Hùng Lực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, nói: "Trường đã đưa vào sử dụng bệnh viện trực thuộc trong 2 năm qua. Song trường vẫn phải nhờ sự hỗ trợ các bệnh viện để sinh viên có cơ sở thực hành thực tập. Thế nhưng, để khắc phục tình trạng quá tải thực hành thực tập ở các bệnh viện, cần có sự vào cuộc của UBND TP Cần Thơ như mở rộng, nâng cấp hệ thống bệnh viện. Đồng thời có thể phân cấp sinh viên, học sinh thực hành ở các bệnh viện. Như đào tạo tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, II thực tập ở bệnh viện chất lượng cao, chuyên sâu; đào tạo bậc học thấp hơn, sinh viên thực hành tại các bệnh viện thấp hơn, không sâu về mặt kỹ thuật…". PGS.TS Phạm Hùng Lực cũng đặt ra vấn đề cần liên kết trong đào tạo nhằm giúp các trường phát triển. Bởi lẽ, các trường công lập và ngoài công lập đều có đào tạo lĩnh vực khoa học sức khoẻ, nên có thể "ngồi lại với nhau" để bàn về chương trình đào tạo, đào tạo liên thông. Chủ trương về đào tạo liên thông của Bộ GD&ĐT đã có nhưng hầu như các trường vẫn chưa thực hiện. Mặt khác, qua liên kết, hợp tác, các trường tận dụng, chia sẻ nguồn lực với nhau, nhất là hỗ trợ các trường mới thành lập. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ, nếu các trường có yêu cầu. Đồng tình quan điểm này, ông Phan Văn Thơm, Quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Đô, cho rằng: "Liên kết đào tạo giữa các trường, ngoài việc chia sẻ nguồn lực mà còn có thể xây dựng chuẩn đầu ra, đáp ứng nhu cầu xã hội".

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, liên kết còn giúp các trường chia sẻ nguồn tuyển sinh, tránh tình trạng trường thừa, trường thiếu nguồn tuyển; nhất là hạn chế tình trạng đào tạo trùng lắp giữa các trường. Song, để làm được điều này, các trường cần có một "nhạc trưởng"- UBND TP Cần Thơ- để gắn kết, điều phối. Tại cuộc họp giao ban giữa UBND TP Cần Thơ với các trường ĐH, CĐ trong tháng 11-2012 vừa qua, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng: "Vấn đề liên kết trong đào tạo giữa các trường rất cần thiết, nhằm chia sẻ nguồn lực, nghiên cứu khoa học… Song, các trường chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, nhất là trường có đào tạo các ngành y - dược, nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và ĐBSCL".

B.KIÊN

Chia sẻ bài viết