Ngay sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cuối tuần rồi quyết định giữ nguyên sản lượng trần 30 triệu thùng/ngày bất chấp giá đã giảm 1/3 trong nửa năm qua, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro lập tức ra lệnh thắt chặt chi tiêu công, trong đó giảm mạnh lương của các quan chức cấp cao, kể cả ông. Đây là bước đi dễ hiểu bởi xuất khẩu dầu mang lại 96% nguồn thu ngoại tệ cho quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới và đóng góp tới 45% cho ngân sách. Ước tính ngân sách Venezuela chỉ cân bằng khi giá dầu ở mức 140 USD/thùng trong khi trên thị trường thế giới hiện nay "vàng đen" chưa được nửa giá đó. Chính vì vậy, Venezuela là một trong những quốc gia lớn tiếng nhất kêu gọi OPEC cắt giảm sản lượng, và nói như Tổng thống Maduro thì không có lý do gì để giá dầu ở mức dưới 100 USD/thùng. Ước tính chỉ cần giá dầu giảm 1 USD/thùng, Venezuela sẽ thất thu khoảng 720 triệu USD mỗi năm.
Bên cạnh cắt giảm ngân sách, ông Maduro cũng cử Bộ trưởng Tài chính Rodolfo Marco Torres tới Bắc Kinh trong tuần này để "làm sâu sắc các thỏa thuận tài chính" với Trung Quốc. Chủ nợ lớn nhất của Venezuela mới đây đã nới lỏng điều kiện thanh toán cho số tiền gần 50 tỉ USD mà Caracas vay mượn từ năm 2007 đến nay. Việc Bắc Kinh giãn nợ đã giúp ông Maduro có thêm thời gian giải quyết các khó khăn kinh tế, như lạm phát cao nhất thế giới (63,4%), thiếu thực phẩm và hàng tiêu dùng (do không có USD để nhập khẩu). Hồi trung tuần tháng 11, ông đã sử dụng hạn ngạch tín dụng 4 tỉ USD mà Trung Quốc thông thường cấp cho các dự án kết cấu hạ tầng để tăng dự trữ ngoại hối lên 23,2 tỉ USD. Trước đó, Trung Quốc cũng bỏ yêu cầu Venezuela phải cung cấp cho nước này ít nhất 330.000 thùng dầu/ngày để trừ nợ, khiến Venezuela có thể bán được nhiều dầu hơn cho các khách hàng khác để lấy "tiền tươi thóc thật".
Dĩ nhiên là Bắc Kinh không tốt tới mức giúp Caracas "vô tư" như vậy. Việc không buộc Venezuela cung cấp lượng dầu tối thiếu mỗi ngày thật ra là do kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại nên nhu cầu năng lượng giảm. Mặt khác, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào ngành công nghiệp dầu khí của Venezuela nên nếu không tiếp tục bơm tiền, khủng hoảng kinh tế có thể dẫn tới khủng hoảng chính trị ở nước này thì các khoản đầu tư đó đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời gây khó cho khả năng trả nợ của Venezuela.
Nhưng dù sao đi nữa thì nói như tờ Wall Street Journal, những động thái trên của Trung Quốc vẫn được ví như đã ném cho Venezuela, nhất là Tổng thống Maduro- người mà tỷ lệ ủng hộ đã giảm xuống chỉ còn 30%, sợi dây cứu sinh trong tình cảnh khó khăn hiện nay.
LÊ DÂN