13/07/2024 - 14:13

Dấu ấn phụ nữ trên chính trường châu Á 

Tại châu Á, phụ nữ đang đạt được những bước tiến trên chính trường, đặc biệt mở rộng sự hiện diện trong quốc hội các quốc gia có hạn ngạch về giới.

Thống đốc Tokyo Yuriko Koike (trái) trong cuộc gặp trước đây với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

Đương kim Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo thủ đô Nhật Bản, đã đánh bại 55 đối thủ để tái đắc cử nhiệm kỳ 3 trong cuộc bầu cử ngày 7-7. Năm nay 71 tuổi, bà Koike từng giữ chức Bộ trưởng phòng vệ và nghị sĩ ở cả 2 viện Quốc hội Nhật Bản. Một trong số ứng cử viên cạnh tranh chính với bà Koike trong đợt vừa rồi cũng là phụ nữ, đó là nhà lập pháp đối lập Renho Murata. Đây được xem là điều hiếm hoi trên chính trường Nhật Bản vốn do nam giới thống trị.

Hiện Nhật không có hạn ngạch giới tính bắt buộc đối với chính trị gia. Theo Giáo sư Mikiko Eto tại Đại học Hosei, những cơ chế như vậy nên được xem xét để giải quyết tình trạng mất cân bằng về giới. Trên 47 tỉnh khắp nước Nhật, chỉ có 2 chức vụ thống đốc do phụ nữ đảm nhiệm. Tỷ lệ này tương tự ở cấp quốc gia với khoảng 11% thành viên trong hạ viện là phụ nữ.

Kinh nghiệm quốc tế trong áp dụng hạn ngạch giới

Không giống Nhật Bản, nhiều hệ thống chính trị trên thế giới đã thực hiện hạn ngạch giới tính để tăng số lượng phụ nữ tham gia chính trị. Chẳng hạn như Đài Loan, hòn đảo này có tỷ lệ nữ nghị sĩ cao nhất ở châu Á (41,6%) nhờ vào áp dụng ngạch ứng cử viên và có những ghế dành riêng cho phụ nữ. Tại Indonesia, tỷ lệ phụ nữ trong quốc hội khá thấp trước khi hạn ngạch giới tính ứng cử viên 30% được đưa ra. Vào năm 1999, chưa đến một trong 10 nhà lập pháp ở Indonesia là phụ nữ. Nhưng hai thập kỷ sau, số lượng nữ nghị sĩ đã tăng lên với tỷ lệ 1 trên 5 người.

Theo học giả Nankyung Choi, ở những quốc gia mà tỷ lệ phụ nữ đại diện còn rất thấp, các biện pháp như hạn ngạch giới tính là bước cải cách đầu tiên cần thực hiện. Năm 2023, Ấn Độ thông qua dự luật dành 33% số ghế cho phụ nữ tại hạ viện cũng như trong các hội đồng tiểu bang. Nước láng giềng Bangladesh cũng có quy định 50 ghế dành riêng cho phụ nữ trong quốc hội gồm 350 thành viên.

Ở khu vực khác của châu Á, một số nước không cần hạn ngạch giới cũng đang tìm cách tăng số lượng nhà lập pháp nữ, chẳng hạn như ở Singapore. Hiện có khoảng 30% đại biểu Quốc hội Singapore là phụ nữ, nhưng đây là kết quả của việc bổ nhiệm nhiều nữ giới hơn vào quốc hội mà chính phủ do đảng Hành động Nhân dân lãnh đạo tiến hành nhằm cải thiện mức độ tín nhiệm.

Ngoài những con số

Trong khi hạn ngạch giới tính tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ làm chính trị, một số nghiên cứu so sánh cho thấy phần lớn nữ nghị sĩ ở châu Á là phụ nữ “trung niên, có học thức và chuyên môn”, đồng nghĩa thiếu vắng người trẻ và tầng lớp lao động. Hơn nữa, số lượng nữ giới tăng lên trong các cơ quan lập pháp nhưng sự hiện diện đó có dẫn tới bất kỳ tiến bộ có ý nghĩa nào về bình đẳng giới hay không lại là vấn đề khác. Ví dụ như ở Đài Loan, Giáo sư Chang-Ling Huang cho biết ngay cả khi hòn đảo này có hơn 40% nghị sĩ là nữ, những nỗ lực của họ nhằm đại diện cho quyền lợi của phái yếu còn chưa đủ.

Một trong những nguyên nhân đó là tuy tăng về số lượng, nhưng sự hiện diện của nữ giới ở các vị trí cấp cao còn rất ít. Theo báo cáo về Lãnh đạo chính trị nữ năm 2024 của Cơ quan Liên Hiệp Quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), tỷ lệ nữ bộ trưởng trong nội các các nước Trung và Nam Á chỉ đạt 9,5%. Ví dụ, trong nội các mới của Pakistan, chỉ có một vị trí do phụ nữ đảm nhận. Trong khi đó tại Trung Quốc, tỷ lệ phụ nữ trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) tăng đều đặn trong 20 năm qua kể từ khi cơ quan này áp dụng hình thức hạn ngạch giới tính. Nhưng chưa từng có phụ nữ nào vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên, cơ quan lãnh đạo cao nhất của đất nước kể từ năm 1949.

Theo học giả Choi, việc thiếu vắng sự lãnh đạo của phụ nữ bắt nguồn từ truyền thống văn hóa bảo thủ của khu vực. Trong vài trường hợp phụ nữ ở châu Á trở thành tổng thống hoặc thủ tướng, hầu hết họ đều có mối quan hệ chính trị nổi bật.

MAI QUYÊN (Theo DW)

Chia sẻ bài viết