02/08/2010 - 21:11

Đào tạo liên thông chưa tạo được "lực hút"

Thời gian gần đây, nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp ở TP Cần Thơ đã mở nhiều loại hình đào tạo chính qui, vừa làm vừa học, liên thông,... Có thể nói, đào tạo liên thông như là một giải pháp giúp học sinh có nhiều cơ hội đi theo lộ trình đại học. Thế nhưng, việc triển khai chương trình đào tạo liên thông vẫn còn nhiều khó khăn...

* “Đường vòng” vào đại học

Anh Nguyễn Tấn Trung, sinh viên lớp liên thông trung cấp lên cao đẳng (CĐ) Chăn nuôi K509, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Trước đây, do điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi không thể học cao đẳng hoặc đại học. Vào làm việc ở Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Sóc Trăng, sau một thời gian công tác, công việc đã ổn định, tôi cảm thấy cần phải bổ sung kiến thức chuyên môn để phục vụ công việc tốt hơn. Vì thế, tôi đã đăng ký học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Chương trình đào tạo liên thông vừa phù hợp với năng lực, vừa giúp tôi có thể học bậc học cao hơn, không phải học lại ngay từ đầu...”.

Giờ học thực hành xác định trọng lượng của bò trên mô hình (Lớp liên thông Chăn nuôi K509, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ). 

Năm nay, sau khi một số trường đại học công bố điểm thi tuyển sinh năm 2010, những thí sinh có tổng số điểm thấp, không hy vọng đậu ở nguyện vọng 1, 2, đã chuyển hướng vào các trường CĐ, trung cấp. Các thí sinh quan tâm nhất là các ngành học trung cấp, CĐ có thể liên thông lên đại học (ĐH).

Đào tạo liên thông đã “mở rộng” đường vào ĐH cho các học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Không vào được ĐH, các bạn trẻ có thể học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp nhưng vẫn có cơ hội học tập lên cao hơn. Thật ra, tốt nghiệp THPT rồi vào đại học ngay, thời gian hoàn thành chương trình đại học có thể ngắn hơn, kiến thức hàn lâm tốt hơn. Tuy nhiên, học sinh học nghề, trung cấp chuyên nghiệp liên thông lên CĐ rồi lên ĐH lại có ưu thế riêng. Thầy Dương Văn Sử, giảng viên của Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, đã có ba năm kinh nghiệm giảng dạy các lớp liên thông, cho biết: “Cách dạy ở các lớp đào tạo liên thông khác so với lớp chính qui. Ưu thế của các lớp liên thông là phần lớn sinh viên đã đi làm, có kinh nghiệm thực tế, có tay nghề, có vốn sống nên dễ đối chiếu, hiểu sâu bài giảng”.

Gần đây các trường ĐH, CĐ, trung cấp ở TP Cần Thơ, như: ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, CĐ Cần Thơ,... khi mở mã ngành đều chú trọng làm sao có thể liên thông bậc học cao hơn. Năm nay, chỉ riêng Trường ĐH Cần Thơ mở 35 ngành, chuyên ngành từ CĐ lên ĐH. Trường ĐH Y Dược Cần Thơ mở liên thông từ trung cấp lên ĐH cho 9 ngành. Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ mở liên thông 10 ngành từ trung cấp lên CĐ, từ CĐ lên ĐH... Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: “Năm nay, trường tăng thêm 27 ngành, chuyên ngành đào tạo liên thông đáp ứng nhu cầu xã hội ngày càng tăng. Trường đủ điều kiện, năng lực đáp ứng giảng dạy”.

* Không phải dễ dàng

Trên thực tế, khi các trường triển khai việc đào tạo liên thông cũng không phải suôn sẻ. Tính từ năm 2006, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ đã tuyển sinh đào tạo liên thông từ trung cấp lên CĐ. Tuy nhiên, nhiều niên khóa trôi qua, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ chỉ mở được lớp liên thông vừa làm vừa học chứ chưa mở được lớp chính qui. Theo thống kê của trường, 5 năm qua, có 149 sinh viên liên thông từ trung cấp lên CĐ ra trường và hiện có trên 1.000 sinh viên đang học 5 ngành liên thông từ trung cấp lên CĐ. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Kinh tế- Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Số người đăng ký dự thi vào lớp liên thông từ trung cấp lên CĐ hệ chính qui rất ít nên trường phải chuyển sang lớp vừa làm, vừa học”.

Tương tự như vậy, Trường CĐ Cần Thơ, trừ các ngành Mầm non, Kế toán, Luật, Tin học... các lớp Thiết bị trường học, Công nghệ May, Kỹ thuật điện, Thư viện rất khó tuyển sinh nên không thể mở được lớp. Ngay cả Trường ĐH Cần Thơ- ĐH trọng điểm của vùng - suốt một thời gian dài tuyển sinh cho các lớp liên thông khá “chật vật”. Đơn cử, năm 2006, chỉ tiêu tuyển là 260 sinh viên nhưng chỉ tuyển được 85 sinh viên; năm 2007, chỉ tiêu tuyển còn 150 sinh viên nhưng cũng chỉ tuyển được 113 sinh viên... Theo thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, thì: Mặc dù nhu cầu đào tạo liên thông ở khu vực ĐBSCL khá lớn nhưng khi tuyển sinh thì phải tùy thuộc vào số lượng sinh viên đăng ký học.

Theo nhiều nhà quản lý giáo dục ở Cần Thơ, nguyên nhân dẫn đến tuyển sinh liên thông của các trường đang “vướng” qui định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Điều 4, Quyết định số 06-2008/QĐ-BGDĐT về qui định đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH thì đối với đào tạo liên thông trung cấp lên CĐ hoặc từ CĐ lên ĐH thì người tốt nghiệp loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; người tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo mới được tham gia dự tuyển. Đối với đào tạo liên thông từ trình độ trung cấp lên trình độ ĐH, người có bằng tốt nghiệp trung cấp phải có ít nhất 3 năm làm việc gắn với chuyên môn mới được tham gia dự tuyển. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho rằng nếu gián đoạn một thời gian khá dài mới được tiếp tục thì kiến thức người học sẽ bị gián đoạn, ít nhiều ảnh hưởng đến việc học. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh đề nghị: để rộng đường cho học sinh học liên thông nên chăng cho người tốt nghiệp trung cấp hoặc CĐ trung bình- khá được dự thi học liên thông, thay vì phải mất thêm 1 năm- vì còn phải qua một kỳ thi tuyển. Thạc sĩ Nguyễn Vĩnh An, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, cũng đề nghị nên khuyến khích những người tốt nghiệp CĐ loại giỏi, xuất sắc được tuyển thẳng hoặc cộng điểm thưởng khi thi vào ĐH.

* * *

Ở các nước tiên tiến trên thế giới, có nhiều mô hình đào tạo phù hợp với từng đối tượng người học. Các cơ sở đào tạo khuyến khích, nếu học sinh tốt nghiệp THPT có thể học nghề, trung cấp, CĐ, đi làm một thời gian rồi tiếp tục học lên ĐH. Người học có vốn sống thực tế, tiếp thu lý thuyết sẽ tốt hơn. Tại Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng, hằng năm có hàng chục ngàn học sinh vào ĐH nhưng con số trúng tuyển vào ĐH chỉ chiếm từ 10%-15%. Chính đào tạo liên thông đã tạo ra hướng mở cho học sinh “rộng đường” đi, giảm áp lực đầu vào ở các trường ĐH. Có lẽ đã đến lúc, Bộ GD&ĐT cần có những qui định “thoáng” hơn và học liên thông đi đôi với đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho học sinh cùng phụ huynh.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết