02/09/2013 - 10:46

Dân Iraq phản đối thu nhập “khủng” của nghị sĩ

Biểu tình phản đối thu nhập “khủng” của các nghị sĩ tại Baghdad ngày 31-8. Ảnh: AFP

Hàng ngàn người dân Iraq hồi cuối tuần rồi đã biểu tình tại Thủ đô Baghdad và nhiều thành phố ở miền Nam để phản đối việc nhà nước chi quá nhiều tiền của cho các nghị sĩ trong khi đời sống người dân còn lắm khó khăn. Bất chấp việc cảnh sát dùng vòi rồng, hơi cay và thậm chí bắn chỉ thiên để giải tán, những người biểu tình vẫn giương cao các biểu ngữ như “Chúng tôi bầu các ngài lên để phục vụ chúng tôi, chứ không phải móc túi chúng tôi”, “Chế độ lương hưu của các nghị sĩ là điều luật được viết bởi những tên trộm”…

Hiện các nghị sĩ Iraq nhận lương cơ bản khoảng 10.000 USD mỗi tháng. Bên cạnh đó, nhà nước phải chi thêm hơn 20.000 USD/tháng để thuê nhà và bảo đảm an ninh cho họ. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, họ được nhận lương hưu bằng 80% lương khi còn tại nhiệm, được hưởng chế độ bảo vệ và tiếp tục giữ hộ chiếu ngoại giao. “Thật không hợp lý khi một người làm việc chỉ trong bốn năm, sau đó hưởng 80% lương. Điều này không xảy ra ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nếu tiếp tục như thế này thì sau 3 nhiệm kỳ nữa, ngân sách sẽ không còn đồng nào”, một giáo viên tên Abbas Kadhim nói đầy vẻ bức xúc. Còn dược sĩ Aamer Qasim thì cho rằng một số tiền khổng lồ đang rơi vào túi các dân biểu mà lẽ ra nó phải được đầu tư cho y tế, giáo dục, điện...

Những năm gần đây, các nghị sĩ Iraq liên tục bị chỉ trích vì hưởng chế độ lương bổng quá cao, gấp nhiều lần thu nhập của dân thường, nhưng lại không thông qua được dự luật nào cho ra hồn. Trong khi đó, hạ tầng cơ sở lại thiếu thốn và người dân không được đáp ứng những nhu cầu thiết yếu nhất. Tỷ lệ thất nghiệp theo công bố của chính phủ hồi năm 2011 là 11% nhưng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tin rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều, đặc biệt là trong giới trẻ. Cũng theo IMF, thu nhập bình quân đầu người ở Iraq chưa tới 4.300 USD/năm.

Trước sự bất bình của dân chúng, Thủ tướng Nuri al-Maliki tuyên bố ông ủng hộ việc cắt giảm “chế độ” đối với các nghị sĩ và sẽ thúc đẩy điều này trong chính phủ cũng như thông qua khối chính trị của mình tại quốc hội.

LÊ DÂN (Theo AFP, Reuters)

Lương nghị sĩ Nigeria gấp 116 lần GDP bình quân đầu người

Một điều có vẻ như nghịch lý là thu nhập của các nghị sĩ ở một số quốc gia nghèo lại rất cao, thậm chí cao hơn các đồng nghiệp ở những nước phát triển.

Theo tạp chí The Economist, các nghị sĩ Nigeria bỏ túi 189.000 USD/năm, gấp 116 lần GDP bình quân đầu người ở nước này, trong khi lương của các nghị sĩ Anh là 105.400 USD, bằng 2,7 lần GDP bình quân đầu người. Nghị sĩ Úc lãnh lương cao nhất thế giới (201.200 USD) nhưng chỉ gấp 3 lần GDP bình quân đầu người.

Dưới đây là mức lương hàng năm của nghị sĩ tại một số quốc gia: Ý (182.000 USD), Mỹ (174.000 USD), Brazil (157.600 USD), Singapore (154.000 USD), Canada (154.000 USD), Nhật (149.700 USD), Na Uy (138.000 USD), Hồng Công (130.000 USD), Ireland (120.400 USD), Đức (119.500 USD), Israel (114.800 USD), New Zealand (112.500 USD), Nam Phi (104.000 USD), Thụy Điển (99.300 USD), Pháp (85.900 USD), Kenya (74.500 USD), Indonesia (65.800 USD), Saudi Arabie (64.000 USD), Ghana (46.500 USD), Tây Ban Nha (43.900 USD), Thái Lan (43.800 USD), Malaysia (25.300 USD), Ấn Độ (11.200 USD), Sri Lanka (5.100 USD), Bangladesh (4.000 USD), Pakistan (3.500 USD).

 

Biểu tình phản đối thu nhập “khủng” của các nghị sĩ tại Baghdad ngày 31-8. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết