03/11/2008 - 14:42

Đại gia châu Á ngấm đòn khủng hoảng tài chính

Thị trường chứng khoán Nhật giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần rồi. Ảnh: AFP

Cuộc khủng hoảng tài chính khởi nguồn từ Mỹ rồi nhanh chóng lan sang châu Âu khiến nhiều ngân hàng, công ty bảo hiểm... phá sản hoặc phải sống nhờ vào chiếc “phao cứu sinh” của chính phủ. Rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính khu vực những năm 1997-1998, nhưng châu Á cũng không miễn nhiễm với cơn sốt này.

Bốn nền kinh tế lớn nhất châu Á là Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc đang cảm nhận ngày càng rõ rệt những khó khăn từ cơn bão tài chính gây ra, mà cụ thể là xuất khẩu sa sút, thị trường chứng khoán tuột dốc không phanh... Hồi tuần rồi, ngân hàng trung ương các nước này đã đồng loạt giảm lãi suất với hy vọng cứu vãn nền kinh tế.

Tại Nhật, lãi suất giảm từ 0,5% xuống 0,3%, mức thấp nhất trong các nước công nghiệp. Đây là lần đầu tiên Nhật hạ lãi suất trong vòng 7 năm qua, và dự kiến sẽ còn có thêm những đợt cắt giảm nữa. Một trong những mục tiêu chính của động thái này là nhằm cứu thị trường chứng khoán và ngăn đà tăng giá của đồng yen. Vào cuối tháng 10, giá cổ phiếu của Nhật đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 26 năm trở lại đây, trong khi đồng yen tăng lên mức cao nhất trong 13 năm qua so với USD. Quý 3 vừa qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng âm 0,3%, và điều này khiến Ngân hàng Trung ương Nhật giảm dự báo tăng trưởng trong tài khóa hiện hành (kết thúc vào cuối tháng 3-2009) từ 1,2% xuống 0,1%.

Song song với việc hạ lãi suất, chính phủ Nhật còn công bố gói kích thích kinh tế mới trị giá 270 tỉ USD mà Thủ tướng Taro Aso gọi là “sự kiện chỉ một lần trong thế kỷ”. Các biện pháp kích thích bao gồm tăng chi tiêu chính phủ thêm 50 tỉ USD, giảm thuế, cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn mở rộng sản xuất. Đặc biệt, để kích cầu, chính phủ sẽ chi 20 tỉ USD hỗ trợ trực tiếp các gia đình, theo đó trung bình mỗi hộ có 4 nhân khẩu sẽ được nhận 640 USD. Trước đó, hồi đầu tháng 8, chính phủ Nhật cũng đã tung ra gói giải cứu kinh tế trị giá 117 tỉ USD.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc giảm mạnh lãi suất từ 5% xuống 4,25%, đồng thời ký thỏa thuận hoán đổi ngoại hối trị giá 30 tỉ USD với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chính phủ Hàn Quốc cũng cho biết đang chuẩn bị các biện pháp mới nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính, trong đó dự kiến tăng chi tiêu chính phủ thêm 7,3 tỉ USD và bảo đảm tiền gởi bằng ngoại tệ. Trong gói cứu trợ trước, chính phủ Hàn Quốc đã dành 135 tỉ USD hỗ trợ các ngân hàng và công ty xây dựng. Từ đầu năm tới nay, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã giảm trên 40%. Nhiều khả năng năm nay kinh tế nước này chỉ tăng trưởng khoảng 4% và năm tới giảm xuống 2,2%, mức thấp nhất trong 11 năm qua.

Trung Quốc cũng giảm lãi suất xuống còn 6,66%, từ mức 6,93%. Đây là lần hạ lãi suất thứ ba trong 2 tháng qua. Quý 3, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 9%, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Còn thị trường chứng khoán Trung Quốc vào cuối tháng 10 sụt giảm hơn 70% so với một năm trước. Theo tạp chí Forbes, tổng tài sản của các tỉ phú Trung Quốc đã bị bão tài chính cuốn đi hơn phân nửa, từ 120 tỉ USD xuống còn 52 tỉ USD. Một số chuyên gia dự báo nền kinh tế lớn thứ tư thế giới năm tới chỉ tăng trưởng 7%. Cần nhắc lại là trong 3 thập niên qua, tăng trưởng hằng năm của kinh tế Trung Quốc luôn ở mức 2 con số.

Ngày 1-11, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng đã quyết định giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng 2 tuần, từ 8% xuống 7,5%, đồng thời hạ chỉ tiêu tăng trưởng trong tài khóa kết thúc vào tháng 3-2009 từ 8% xuống 7-7,5%. Trong 10 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Ấn Độ đã giảm hơn 50%.

LÊ DÂN (Theo Reuters, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết