|
Khu tổ hợp Yongbyon chụp từ vệ tinh. Ảnh: Reuters |
Bắc Triều Tiên vừa châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hạt nhân mới khi quyết định trục xuất các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc và tuyên bố sẽ khôi phục việc tái chế plutonium, nhiên liệu sản xuất bom nguyên tử, trong tuần tới. Ngày 24-9, tại cuộc họp kín ở Vienne (Áo), Phó Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Olli Heinonen xác nhận IAEA đã dỡ bỏ niêm phong và thiết bị giám sát khỏi nhà máy hạt nhân Yongbyon theo yêu cầu của Bình Nhưỡng. Động thái này đã chính thức phá vỡ thỏa thuận 6 bên năm 2007 về chấm dứt chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Năm ngoái, tiến trình đàm phán 6 bên giữa Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ đạt được thỏa thuận quan trọng, theo đó Bình Nhưỡng chấp nhận giải trừ hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế. Các nhà khoa học Bắc Triều Tiên bắt đầu vô hiệu hóa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon từ tháng 11-2007 và cho nổ tung tháp làm lạnh vào tháng 6 năm nay. Theo tờ Guardian (Anh) hôm 25-9, Bình Nhưỡng đã hoàn tất 8 trong số 11 bước cần thiết để dỡ bỏ lò phản ứng hạt nhân hồi tháng 7-2008, nhưng một tháng sau, Washington lại yêu cầu áp dụng thêm hệ thống kiểm tra nghiêm ngặt tiến trình này, trong đó có việc lấy mẫu đất và phỏng vấn các nhà khoa học. Washington gắn yêu cầu này vào điều kiện để đưa Bắc Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Tất nhiên, Bình Nhưỡng bác bỏ và kết quả là tiến trình giải trừ hạt nhân rơi vào bế tắc.
Nhà Trắng gọi hành động mới nhất của Bình Nhưỡng là “vô cùng thất vọng” và cho rằng bất kỳ việc khôi phục hoạt động hạt nhân nào cũng “càng cô lập Bắc Triều Tiên hơn”. Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice hy vọng có thể cứu thỏa thuận trên và kêu gọi Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã thẳng thừng từ chối.
Các nhà phân tích không chắc chắn rằng hành động của Bắc Triều Tiên là muốn phá vỡ hoàn toàn thỏa thuận 6 bên hay thực tế chỉ là chiến thuật của Bình Nhưỡng nhằm đạt được một số nhượng bộ mới về viện trợ, thương mại và các mối quan hệ chính trị từ Washington. Đây là lần thứ hai Bắc Triều Tiên khôi phục sản xuất nhiên liệu hạt nhân trong thời gian Tổng thống George Bush nắm quyền ở Mỹ. Trong bối cảnh Nhà Trắng đang đối mặt với khủng hoảng tài chính, Bắc Triều Tiên lại tăng sức ép với Mỹ về hạt nhân, chiến lược này giống như hồi năm 2003 khi Mỹ chuẩn bị tấn công Iraq thì Bình Nhưỡng tiến hành thử tên lửa tầm xa.
N.MINH (Theo The Time, Guardian, IHT)