16/02/2012 - 14:11

Cuộc đối đầu giữa Israel và Iran – Căng như sợi dây đàn

Hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln của Mỹ trên đường vượt qua eo biển Hormuz. Ảnh: Reuters

Báo The Guardian của Anh hôm qua cho biết Israel đã cáo buộc Iran đứng đằng sau 3 vụ nổ ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan) làm ít nhất 5 người bị thương hôm 14-2 vừa qua. Các vụ nổ này xảy ra chỉ một ngày sau các vụ đánh bom nhằm vào các ngoại giao Israel ở Ấn Độ và Gruzia mà Tel Aviv cho rằng chủ mưu là Tehran. Giới chức Iran một lần nữa lên tiếng bác bỏ các cáo buộc mới của Israel, cho rằng Tel Aviv đang dựng chuyện nhằm tạo cớ đánh Iran.

“Khẩu chiến” leo thang

Chính phủ Ấn Độ hôm qua khẳng định rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự dính líu của bất cứ quốc gia nào tới các vụ đánh bom ở Thủ đô New Delhi ngày 13-2. Trong khi đó, Quốc vụ khanh Gruzia phụ trách hội nhập châu Âu và Khu vực đồng tiền chung euro - Đại Tây Dương Giorgi Baramidze cho biết chiếc xe được phát hiện có thiết bị nổ là xe riêng của một người Gruzia làm việc cho Đại sứ quán Israel và hoàn toàn không phải xe của Đại sứ quán Israel ở Tbilisi và vụ việc này cũng không liên quan đến vụ đánh bom xe cùng ngày ở Ấn Độ.

Về các vụ đánh bom ở Thái Lan, theo tin Pháp AFP, giới chức Thái Lan đã bắt giữ 2 người Iran có liên quan tới loạt vụ nổ ở Bangkok. Một trong số đó là Saeid Morati, 28 tuổi, dựa theo hộ chiếu anh ta mang theo người. Người này đã bị mất 2 chân khi cố gắng ném bom vào cảnh sát Thái Lan khi đang chạy khỏi vụ nổ trước đó ở một ngôi nhà thuê tại Bangkok. Người Iran còn lại bị bắt khi đang tìm cách lên máy bay rời khỏi Thái Lan. Nghi phạm thứ ba được tin là đã trốn sang Malaysia.

Israel cho rằng việc các công dân Iran trên bị giam giữ là “bằng chứng cho thấy chính phủ Iran có liên quan tới vụ việc”. “Vụ tấn công nhằm vào Bangkok một lần nữa chứng tỏ Iran và những người ủy nhiệm của Iran vẫn tiếp tục hành động theo lối khủng bố và các vụ tấn công mới nhất là ví dụ của điều đó” - Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak cho biết.

Tuy nhiên, Tehran đã ngay lập tức đáp trả. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahid nói: “Vụ việc tại sứ quán của chính quyền Do Thái tại Ấn Độ và Gruzia cho thấy chính quyền Do Thái đã gây nhiều áp bức, bạo ngược đến nỗi một số nhóm và cá nhân trên tất cả các nước sẽ tìm cách chứng tỏ sự ghê tởm của họ đối với chính quyền này” - hãng thông tấn Fars dẫn lời ông cho biết. Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramin Mehmanparast thì cáo buộc Israel “đang tìm cách gây tổn hại đến mối quan hệ hữu nghị và có bề dày lịch sử giữa Iran và Thái Lan”. “Cộng hòa Hồi giáo Iran tin rằng các nhân tố của chính quyền Do Thái chịu trách nhiệm cho tội ác này. Iran đang chuẩn bị giúp đỡ và phối hợp với chính phủ Thái Lan làm rõ những vụ việc này”- ông Mehmanparast khẳng định.

Israel nâng mức báo động trên toàn quốc

Trước tình hình trên, cảnh sát Israel ngày 14-2 đã nâng mức báo động trên khắp nước này. Người phát ngôn cảnh sát Israel Micky Rosenfeld cho biết cảnh sát Israel đã nâng mức báo động chung ở Israel, chủ yếu nhằm tăng cường an ninh ở những địa điểm công cộng và một số khu vực, trong đó có các đại sứ quán nước ngoài và những nơi tập trung đông người nước ngoài như sân bay. Báo chí Israel ngày 14-2 bình luận rằng những âm mưu đánh bom vừa qua đánh dấu cho sự khởi đầu của làn sóng mới với các cuộc tấn công nhằm vào người Israel.

Theo hãng tin Mỹ AP, Phó thủ tướng Israel Silvan Shalom hôm 14-2 cho rằng Iran đang muốn hồi sinh Đế quốc Ba Tư cùng với tham vọng một lần nữa trở thành một siêu cường có bom hạt nhân. Ông Shalom nói với các phóng viên sau cuộc gặp với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon rằng Iran muốn thay đổi hình thái một số chế độ ở Trung Đông và kiểm soát tất cả các mỏ dầu ở khu vực này như một phần của cuộc tìm kiếm vị thế siêu cường. Phát ngôn viên của phái đoàn Iran tại Liên Hiệp Quốc, Alireza Miryusefi ngay lập tức đã “đập” lại phát biểu của ông Shalom. Miryusefi nói: Đây là lời nói càn của người đại diện một chế độ đã giết chết hàng ngàn người vô tội trên khắp thế giới. Đây là một chế độ dị thường và duy nhất ở Trung Đông có kho vũ khí hạt nhân. Chế độ này đang theo đuổi chính sách chia rẽ cộng đồng người Hồi giáo ở khu vực”.

Mỹ tiếp tục đưa hàng không mẫu hạm đến vùng Vịnh

“Khẩu chiến” giữa Israel và Iran leo thang trong bối cảnh có nhiều biểu hiện cho thấy Mỹ đang hậu thuẫn Israel dùng vũ lực với Iran, dù Washington vẫn lên tiếng kêu gọi Tel Aviv tính toán cẩn trọng mọi giải pháp trong xử lý vấn đề Iran.

Như một số nguồn tin ngày 14-2 đăng tải, lần thứ hai trong hơn một tháng qua Mỹ đưa hàng không mẫu hạm USS Abraham Lincoln của họ đến Eo biển Hormuz bất chấp những lời cảnh báo từ phía Iran đối với hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis trước đó. Theo hãng tin Anh Reuters, USS Abraham Lincoln - thuộc Hạm đội 5 có căn cứ tại Bahrein - đã vượt qua Eo biển Hormuz với sự hộ tống của tàu khu trục Cape St George. Reuters nhận định động thái này của Mỹ đã làm cho vùng Vịnh thêm căng thẳng.

THANH BÌNH
(Theo Guardian, AP, Reuters)

 

Chia sẻ bài viết