01/08/2018 - 16:44

Cuộc cách mạng nhà vệ sinh ở Ấn Độ 

Ấn Độ đang gặt hái thành công trong cuộc cách mạng nhà vệ sinh lớn nhất thế giới, qua đó cũng mở ra cơ hội làm ăn cho nhiều công ty liên quan.

 Người dân chọn mua bồn cầu ở thành phố Amritsar. Ảnh: NBC

Năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi phát động Chương trình hành động “Làm sạch Ấn Độ” (Clean India) trị giá 20 tỉ USD nhằm xây dựng 111 triệu nhà vệ sinh trong vòng 5 năm. Ước tính đã có gần 80 triệu nhà vệ sinh được xây dựng kể từ khi ông Modi cam kết hệ thống vệ sinh sẽ được phủ khắp cả nước vào tháng 10-2019, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Mahatma Gandhi.

Ngoài nâng cao sức khỏe, an toàn và nhân phẩm của hàng trăm triệu người dân Ấn Độ, chương trình này cũng giúp tăng doanh số vật liệu xây dựng và thiết bị bằng sứ dùng cho nhà vệ sinh-nhà tắm lần lượt 81% và 48%, theo tổ chức nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor International. Xây nhiều nhà vệ sinh và chiến dịch khuyến khích người dân trên toàn quốc sử dụng nó đang khiến thị trường kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ liên quan nhảy vọt, thậm chí được dự báo tăng gấp đôi, lên 62 tỉ USD vào năm 2021. Trong đó, nhiều công ty đang hưởng lợi nhờ chương trình này, từ tập đoàn lớn nhất quốc gia Nam Á Tata Group cho đến nhà sản xuất sản phẩm vệ sinh Reckitt Benckiser Group Plc của Anh. Hồi tháng rồi, diễn viên điện ảnh Bollywood Akshay Kumar và là ngôi sao của bộ phim “Nhà vệ sinh: Câu chuyện tình” còn được chỉ định làm đại sứ thương hiệu của nước tẩy rửa bồn cầu Harpic của Reckitt Benckiser.

Riêng công ty Slough, với sản phẩm nổi bật là nước tẩy rửa Dettol, đang thống lĩnh thị trường sản phẩm vệ sinh ở Ấn Độ, khi mà doanh số bán hàng năm ngoái đạt hơn 105 triệu USD, tăng 11%.

Thực ra, ban đầu chương trình “Làm sạch Ấn Độ” được đánh giá sẽ giúp tăng thêm doanh số, nhưng một số công ty đã liên kết với chính quyền địa phương theo hướng đưa ra sáng kiến về mặt xã hội hơn là cơ hội kinh doanh. Điển hình như Slough có thể nâng cao ý thức người dân về việc sử dụng các thiết bị vệ sinh bằng cách hợp tác với các cộng đồng không phóng uế bừa bãi (ODF) và các hộ gia đình để thúc đẩy vấn đề vệ sinh. Do vậy, Tiến sĩ Val Curtis, thuộc Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Luân Đôn, gọi đây là chiến dịch thay đổi hành vi thành công và vĩ đại nhất thế giới.

Trước khi nhà lãnh đạo Ấn Độ mở chiến dịch trên, quốc gia Nam Á này chiếm hơn phân nửa trong số 1,1 tỉ người trên thế giới thường xuyên “giải quyết nỗi buồn” ở khu đất trống, bãi biển và những không gian lộ thiên khác. Tình trạng này gây ô nhiễm nước sạch và thực phẩm cũng như làm lây lan các bệnh tiêu chảy, qua đó dẫn đến suy dinh dưỡng mãn tính và còi cọc ở trẻ nhỏ. Ngân hàng Thế giới ước tính những ảnh hưởng trên sẽ khiến Ấn Độ tổn thất 6,4% tổng sản phẩm quốc nội.

THANH BÌNH (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết