Cử tri Ai Cập hôm nay (23-5) sẽ bắt đầu đi bỏ phiếu bầu chọn tổng thống trong số 13 ứng viên tham gia tranh cử. Nếu không có vị chính khách nào giành được 50% số phiếu ủng hộ, hai ứng viên về đầu sẽ bước vào vòng đấu loại trực tiếp, dự kiến sẽ diễn ra ngày 16 và 17-6 tới. Theo cam kết của hội đồng quân sự tạm quyền ở Ai Cập, vị tổng thống dân cử của nước này sẽ được công bố ngày 21-6 trước khi quân đội chính thức chuyển giao quyền lực từ đầu tháng 7 tới.
Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy có 5 nhân vật xếp đầu danh sách ứng cử, theo thứ tự từ trên xuống là: cựu Ngoại trưởng Amr Moussa, cựu Thủ tướng Ahmad Shafiq, thủ lĩnh phái chính trị của Huynh đệ Hồi giáo Mohamed Mursi, cựu thành viên của Huynh đệ Hồi giáo Abdel Moneim Aboul Fotouh và chính trị gia theo đường lối dân tộc Hamdeen Sabahi.
Tuy nhiên, điều gay cấn nhất trong cuộc bầu cử là có ít nhất 40% cử tri vẫn còn do dự không biết ủng hộ ai nên người ta chưa thể dự đoán đâu là trào lưu chính trị của dân xứ Kim tự tháp, đặc biệt là giữa phái thế tục và Hồi giáo. Huynh đệ Hồi giáo đã chiếm đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, nhưng không có nghĩa đây là xu thế mới của người dân nước này. Tương lai của Ai Cập không chỉ là vấn đề an ninh, quan hệ với Mỹ và Israel, mà còn là nền kinh tế, dân chủ.
Nếu chiến thắng thuộc về một trong hai ứng cử viên thế tục sáng giá nhất là cựu Ngoại trưởng Moussa và cựu Thủ tướng Shafiq dưới thời Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak, dư luận Ai Cập lo sẽ có “sự đối chọi” giữa tổng thống và quốc hội. Với tư cách là phái lớn nhất trong Quốc hội Ai Cập, Huynh đệ Hồi giáo có quyền chỉ định thủ tướng và thành lập chính phủ, trong khi theo quy định của Hiến pháp lâm thời, tổng thống mới có quyền quyết định người đứng ra thành lập nội các.
Các đảng phái Hồi giáo ở Ai Cập từng dọa nếu Shafiq, nguyên tư lệnh Không quân Ai Cập và từng làm Bộ trưởng Hàng không dân sự 10 năm trước khi nắm giữ ghế thủ tướng trong những ngày cuối cùng của ông Mubarak, đắc cử Tổng thống Ai Cập, họ sẽ phát động cuộc biểu tình nổi dậy mới. Trong khi đó, theo hãng tin Mỹ AP, nếu Huynh đệ Hồi giáo nắm cả chức tổng thống, chính phủ Ai Cập có nguy cơ bị “Hồi giáo hóa”, có thể tạo xung đột với quân đội và lực lượng an ninh.
AP cho biết tất cả 4 đời tổng thống ở Ai Cập kể từ khi chế độ quân chủ bị binh biến lật đổ năm 1952 đều là người của quân đội. Nhiều cựu tướng lĩnh quân đội được giao nắm giữ các chức vụ hàng đầu chính phủ, đại sứ, thống đốc, doanh nghiệp nhà nước lẫn tư nhân. Liệu cuộc bầu cử tổng thống này có thể đánh dấu sự kết thúc 6 thập niên quyền bính của quân đội Ai Cập? Thật khó đoán định.
KIẾN HÒA (Theo AP, Foxnews, Zeenews)