11/02/2024 - 09:27

Cực quyền lực mới của thế giới 

Sau 2 năm bùng nổ, xung đột Nga - Ukraine dần bộc lộ cục diện chính trị toàn cầu mới khi tiếng nói của nhiều cường quốc bậc trung thuộc “Nam bán cầu’’ được coi trọng. Sự trỗi dậy này tiếp tục được khẳng định trong giao tranh ở Dải Gaza với việc phương Tây gần như “đơn độc” đứng về phía Israel, trái ngược những nước hàng đầu ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.

Địa chính trị, không phải địa lý

Khái niệm “Nam bán cầu - Global South” được nhà hoạt động chính trị Carl Oglesby sử dụng lần đầu năm 1969, đề cập sự phân chia kinh tế giữa các quốc gia công nghiệp hóa giàu có ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Đại Dương với hầu hết nước đang phát triển ở phía Nam. Sau khi Liên Xô (vốn được ví như Thế giới thứ 2) tan rã năm 1991, thuật ngữ Nam bán cầu phổ biến và được sử dụng với ý trung lập để thay thế khái niệm “Thế giới thứ 3”, vốn chỉ những nước bị ảnh hưởng bởi nghèo đói và bất ổn chính trị.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023 ở Nam Phi kết nạp thêm 6 thành viên mới là Iran, Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Saudi Arabia và UAE . Ảnh: Getty Images

Ngày nay, Nam bán cầu được hiểu theo nghĩa rộng là những nước chưa công nghiệp hóa hoàn toàn, phần lớn nằm ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh. Nó không hẳn mang tính địa lý, bởi 2 cường quốc giành quyền lãnh đạo Nam bán cầu là Trung Quốc và Ấn Độ thực tế nằm ở Bắc bán cầu. 

Vượt ra ngoài “Thế giới thứ 3”

Trong khi thuật ngữ “Thế giới thứ 3” hay “kém phát triển” truyền tải hình ảnh tiêu cực, điều đó không đúng với cụm từ Nam bán cầu. Từ đầu thế kỷ 21, như Ngân hàng Thế giới đề cập, quan niệm về nơi tạo ra của cải trên hành tinh đã đảo ngược khi trọng lực kinh tế dịch chuyển từ Bắc Đại Tây Dương đến châu Á - Thái Bình Dương. Vào năm 2030, dự kiến 3 trong 4 nền kinh tế lớn nhất đến từ Nam bán cầu.

Thường các nước phía Nam coi trọng quan hệ kinh tế với Trung Quốc, cũng như một số hình thức hợp tác quân sự với Nga và có ý kiến ​​trái chiều về khái niệm trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo. Trong bối cảnh này, Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) ra đời như biểu tượng đối trọng thế độc quyền toàn cầu của phương Tây, sau đó trở thành nơi trú ẩn cho nhiều quốc gia Nam bán cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của BRICS tính theo sức mua tương đương đã vượt Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) của Bắc bán cầu (Global North), chiếm 31,5% GDP toàn cầu so với 30,7%. Thay đổi kinh tế cũng đi đôi nâng cao tầm nhìn chính trị khi Nam bán cầu ngày càng khẳng định mình trên trường quốc tế, chẳng hạn việc Trung Quốc làm trung gian hòa giải giúp Iran - Saudi Arabia khôi phục ngoại giao mới đây. Năm ngoái, Ấn Độ cũng tổ chức 2 Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói phương Nam” trong nỗ lực giành quyền lãnh đạo những nước đang phát triển và khuếch đại mối quan ngại của họ tại các diễn đàn quốc tế.

Tất cả thay đổi về quyền lực kinh tế, chính trị đó đang trở thành đề tài thảo luận của giới chuyên môn về tương lai của “Thế kỷ châu Á” hoặc “Thế giới hậu phương Tây”. Có một điều chắc chắn, đó là Nam bán cầu đang phô trương sức mạnh chính trị và kinh tế mà những nước “đang phát triển” hay “Thế giới thứ 3” chưa bao giờ có được.

Từ G7 đến tương lai thế giới

Là một trong những nước đi đầu về ngoại giao theo “chủ nghĩa hiện thực”, thành viên châu Á duy nhất của G7, Nhật Bản đã thành công xây dựng quan hệ ổn định và tin cậy với Đông Nam Á cùng châu Phi. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Fumio Kishida, Tokyo tiếp tục điều chỉnh cách tiếp cận những quốc gia mới nổi phía Nam khi động lực địa chiến lược ngày càng tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Nhật Bản  Fumio Kishida (giữa) chủ trì cuộc họp giữa các thành viên G7 với lãnh đạo một số quốc gia Nam bán cầu. Ảnh: Prime Minister’s Office of Japan

Trong Sách Xanh ngoại giao công bố tháng 3-2023, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết tăng cường hợp tác toàn diện với Nam bán cầu, nhấn mạnh giải quyết khác biệt về giá trị và lợi ích trong chủ nghĩa đa phương. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức ở Hiroshima, trừ Hàn Quốc, những nước khách mời còn lại đều thuộc Nam bán cầu, gồm: Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook. Đây là tính toán có chủ đích của Nhật Bản nhằm duy trì tầm nhìn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ đang bị thách thức bởi Nga - Trung Quốc. Và cách tiếp cận trên của Tokyo đang được đón nhận tích cực. Trong khảo sát với các nhà hoạch định chính sách ở Đông Nam Á, Nhật Bản liên tục được xếp hạng là cường quốc đáng tin cậy nhất khu vực kể từ năm 2019. Nghiên cứu riêng về quyền lực mềm ở 5 quốc gia Đông Nam Á còn cho thấy, Tokyo được đánh giá tích cực trên cả Mỹ, Úc, Ấn Độ, Đức và Liên minh châu Âu (EU).

Trong bước đi khẳng định tiếng nói của mình, nhiều quốc gia phía Nam hiện tìm cách gia nhập nhóm BRICS. Hầu hết những nước này cho rằng mình bị phớt lờ trong các vấn đề toàn cầu, không được chia sẻ công bằng các nguồn tài nguyên và cơ hội của thế giới. Họ tin tưởng việc tham gia BRICS sẽ tạo động lực cho việc theo đuổi lợi ích trên chính trường thế giới một cách độc lập và quyết đoán. Những quốc gia sáng lập BRICS cũng coi các nước phía Nam là yếu tố quan trọng đem lại đòn bẩy kinh tế và địa chính trị. Theo trang Eurasiareview, thái độ của BRICS khẳng định sự cần thiết của Nam bán cầu trong chính trị quốc tế. Mặt khác, đây là tuyên bố của nhóm về sự xuất hiện của một trật tự thay thế, đa dạng hóa sự phân bổ quyền lực ở cấp độ toàn cầu.

Một số nhà phân tích cho rằng Mỹ và châu Âu nên lấy cảm hứng từ cách tiếp cận của Nhật Bản để khôi phục hình ảnh tích cực, giải quyết mối đe dọa làm suy yếu kinh tế, an ninh và ổn định toàn cầu. Bằng cách theo đuổi sự phát triển chung thực sự với Nam bán cầu, Mỹ và châu Âu vẫn có thể  phù hợp trong trật tự toàn cầu đang nổi lên. Truyền tải thông điệp này, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni khẳng định hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2024 do Roma tổ chức tiếp tục tập trung vào phía Nam. Bà Meloni cũng ủng hộ Liên minh châu Phi gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), nhấn mạnh cách tiếp cận đối tác cùng có lợi chứ không mang tính “săn mồi”.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết