20/01/2021 - 06:36

Cử nhân Trung Quốc đổ xô học thạc sĩ 

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, hơn 9 triệu sinh viên đại học dự kiến tốt nghiệp trong năm nay nhưng họ sẽ phải đối mặt với môi trường làm việc đầy thách thức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Do đó, nhiều cử nhân không chần chừ chọn cách theo đuổi học vị thạc sĩ.

Sinh viên Đại học Vũ Hán “selfie” trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NYT

Sinh viên Đại học Vũ Hán “selfie” trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: NYT

Đơn cử như trường hợp của Yang Xiaomin. Cử nhân 21 tuổi này không tham gia hội chợ việc làm do trường tổ chức cũng như không tự tìm việc làm, bởi cô nghĩ mình không có cơ hội. Mặt khác, cô từ lâu xác định là sẽ học cao học bởi chỉ bằng đại học thì không đủ để tìm được việc. Vì vậy, Yang cùng với 3,77 triệu cử nhân khác hồi tháng rồi đã đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh cao học quốc gia, tăng gần 11% so với năm ngoái và hơn gấp đôi so với năm 2016. “Học lên cao học không hẳn giúp tôi kiếm được công việc tốt hơn nhưng ít nhất nó sẽ cho tôi nhiều cơ hội lựa chọn hơn” - Yang cho biết.

Kinh tế Trung Quốc dần hồi phục sau đại dịch COVID-19. Dữ liệu được công bố hôm 18-1 cho thấy Trung Quốc có lẽ là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm ngoái. Tuy nhiên, nước này hiện đang còn thiếu trầm trọng các công việc lương cao dành cho người tốt nghiệp đại học. Với sự khuyến khích của chính phủ, nhiều cử nhân chọn giải pháp đăng ký học lên cao học. Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết vào thời cao điểm của dịch bệnh, họ yêu cầu các trường đại học nâng chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ thêm 189.000 người, tăng gần 25%, để giảm bớt tình trạng thất nghiệp. Song, điều này đặt ra một vấn đề dài hạn. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, các cử nhân Trung Quốc phàn nàn rằng không có đủ việc làm. Do đó, nhiều người lo ngại việc nâng chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh về việc làm vốn đã khốc liệt, đồng thời làm giảm giá trị của bằng cấp.

Joshua Mok, giáo sư tại Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong) chuyên nghiên cứu chính sách giáo dục Trung Quốc, cho rằng để giảm tỷ lệ thất nghiệp đối với cử nhân, chính phủ cũng phải cẩn thận để không thổi phồng hy vọng của họ, bởi trong những năm gần đây Bắc Kinh thường xuyên đề cao vai trò của các cử nhân, không chỉ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế mà còn đối với “sự ổn định xã hội”. “Điều đó có thể tạo ra một kỳ vọng sai lầm cho những cử nhân” - giáo sư Mok lo ngại.

Nền kinh tế Trung Quốc được cho vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của giáo dục đại học, khiến các sinh viên mới tốt nghiệp phải vất vả cạnh tranh tìm kiếm việc làm. Và đại dịch COVID-19 đang khiến tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân tăng cao. Báo cáo của Zhaopin, nền tảng tuyển dụng việc làm lớn nhất Trung Quốc, cho thấy có đến 26,3% sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2020 thất nghiệp, trong khi việc làm cho cử nhân giảm 7% so với năm 2019, còn số lượng người nộp đơn xin việc tăng gần 63%, khiến nhiều cử nhân cho rằng việc lấy bằng thạc sĩ là bắt buộc.

Theo thống kê chính thức, Trung Quốc hồi năm 1997 có chưa tới 3,5 triệu sinh viên đại học và sau đại học, đến năm 2019, con số này đạt mức hơn 33 triệu người. Song, tỷ lệ người theo đuổi bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở Trung Quốc vẫn thấp hơn các nước phát triển. Chẳng hạn, chỉ 2/1.000 cư dân Trung Quốc đang học sau đại học, so với 9/1.000 người ở Mỹ.

TRÍ VĂN (Theo NYT, Global Times)

Chia sẻ bài viết