28/08/2009 - 08:09

Vận động thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước

Còn nhiều vướng mắc, khó khăn

Thời gian qua, tại TP Cần Thơ, việc vận động thành lập và nâng cao hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước (KVNNN) còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ doanh nghiệp chưa mặn mà với việc thành lập tổ chức công đoàn và do đội ngũ cán bộ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các quận, huyện chưa thực sự quan tâm công tác tuyên truyền, vận động để các chủ doanh nghiệp hiểu được vai trò, tầm quan trọng của việc thành lập CĐCS.

* Những tín hiệu vui...

Đến nay, việc vận động thành lập công đoàn trong các doanh nghiệp KVNNN ở TP Cần Thơ đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Ông Trần Quốc Vũ, Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ thành phố, cho biết: “Qua công tác tuyên truyền, vận động, hiện TP Cần Thơ đã có trên 300 doanh nghiệp KVNNN thành lập CĐCS. Nhờ vậy, công nhân lao động trong nhiều doanh nghiệp KVNNN đã được quan tâm về các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, chế độ phụ cấp, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ tết...”.

Công nhân lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ở khu Công nghiệp Trà Nóc tham gia hội thi khéo tay do Công đoàn các Khu Chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ tổ chức. 

Ông Nguyễn Đăng Hiệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Khu Công nghiệp Trà Nóc), bộc bạch: “Qua tìm hiểu, chúng tôi ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn,vì vậy, tháng 10-2008, công ty quyết định thành lập CĐCS. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, tổ chức công đoàn luôn quan tâm, chăm lo đời sống cho công nhân lao động, qua đó giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và phát triển”. Anh Nguyễn Văn Nam, công nhân Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ, nói: “CĐCS của Công ty luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho công nhân. Mỗi khi chúng tôi thắc mắc về chế độ, chính sách, cán bộ công đoàn giải thích cặn kẽ. Lúc công nhân đau ốm, khó khăn đột xuất, cán bộ công đoàn tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần... Vì vậy, chúng tôi rất an tâm làm việc”.

Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên (Khu Công nghiệp Trà Nóc) thành lập từ tháng 3-2008 với trên 400 công nhân lao động. Bà Nguyễn Thị Lệ, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty, nói: “Giữa năm 2008, công ty xảy ra vụ đình công của công nhân lao động không đúng pháp luật. Lúc bấy giờ công ty chưa có tổ chức công đoàn, nên Công đoàn Khu chế xuất và Công nghiệp làm trung gian hòa giải. Từ sự việc trên giúp chúng tôi thấy rõ vai trò của tổ chức công đoàn trong tập hợp công nhân lao động, cũng như xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa người lao động với chủ doanh nghiệp. Vì vậy, cuối năm 2008, chúng tôi đã quyết định thành lập CĐCS”.

Từ việc nhận thức tốt về vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc tập hợp công nhân lao động, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, nên một số doanh nghiệp đã chủ động đề nghị thành lập tổ chức công đoàn. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Hưng Thịnh, ở phường Hưng Lợi ; Công ty Tư vấn Thiết kế Xây dựng Duy Khang, ở phường Cái Khế (quận Ninh Kiều); Công ty TNHH Hồng Quân, ở Khu dân cư Phú Thứ (quận Cái Răng)...

* Vẫn còn nhiều khó khăn...

Hiện nay, vẫn còn trên 300 doanh nghiệp KVNNN đã đủ điều kiện nhưng không chịu thành lập tổ chức công đoàn. Theo ông Trần Quốc Vũ, Trưởng Ban tổ chức LĐLĐ thành phố, nguyên nhân là do chủ doanh nghiệp chưa có ý thức chấp hành pháp luật, chưa hiểu đúng vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn, dẫn đến ngán ngại việc thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp. Điển hình như Công ty TNHH sản xuất kinh doanh đá Granite Tài Phong, ở phường Ba Láng (quận Cái Răng) hoạt động từ năm 2002, sử dụng rất nhiều lao động. Những năm qua, LĐLĐ quận Cái Răng nhiều lần đến tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức công đoàn, nhưng chủ doanh nghiệp luôn tìm cách “khất”. Tương tự như vậy, Công ty TNHH HAKIA, phường Lê Bình (quận Cái Răng) hoạt động từ tháng 10-2004, chuyên kinh doanh ga và điện máy. Thế nhưng chủ doanh nghiệp luôn tìm mọi lý do, cho rằng công ty hoạt động không ổn định để từ chối việc thành lập tổ chức công đoàn.

Bên cạnh việc các chủ doanh nghiệp chưa có ý thức chấp hành pháp luật, thì lãnh đạo LĐLĐ một số địa phương vẫn chưa quan tâm đúng mức để khảo sát, nắm chắc số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho chủ doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật, thành lập tổ chức công đoàn. Nhiều lãnh đạo LĐLĐ các quận, huyện luôn than thở việc vận động thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp KVNNN khó khăn và thường đưa ra lý do: “Chưa tiến hành khảo sát để nắm số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập công đoàn”, hoặc “Chúng tôi thường xuyên quan tâm vận động thành lập CĐCS trong các doanh nghiệp, nhưng các doanh nghiệp luôn tìm cách từ chối”. Theo thống kê của Ban Tổ chức LĐLĐ thành phố, hiện nay, ở địa bàn như quận Bình Thủy chỉ vận động thành lập được 5 CĐCS trong các doanh nghiệp KVNNN, quận Cái Răng chỉ vận động thành lập được 8 CĐCS trong doanh nghiệp KVNNN. Đây là con số quá khiêm tốn so với các doanh nghiệp KVNNN trên địa bàn.

Chất lượng hoạt động của các CĐCS trong các doanh nghiệp KVNNN hiện nay cũng là vấn đề cần được quan tâm. Nhiều lãnh đạo LĐLĐ các quận, huyện, cho rằng: thời gian qua, nhiều doanh nghiệp KVNNN thành lập CĐCS chỉ là hình thức đối phó, không tạo điều kiện để CĐCS hoạt động. Điển hình như trường hợp Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh (quận Thốt Nốt). Theo ông Ngô Thuận Thiên, Chủ tịch LĐLĐ quận Thốt Nốt, CĐCS của Công ty Cổ phần Chế biến thủy hải sản Hiệp Thanh đi vào hoạt động cuối năm 2007. Lúc mới thành lập, công đoàn phát triển 46 công đoàn viên. Đến nay, CĐCS chưa tiến hành đại hội và chưa phát triển thêm công đoàn viên nào, mặc dù công ty có hơn 1.000 công nhân lao động. Do CĐCS hoạt động cầm chừng, nên công ty này chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 283 công nhân lao động, việc đóng kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn cũng rất ì ạch”. Bà Đặng Thị Kim Hảo, Chủ tịch LĐLĐ quận Ô Môn, cho biết: “Đến nay, quận vận động thành lập được 18 CĐCS trong các doanh nghiệp KVNNN. Tuy nhiên, thời gian qua, chỉ có 3 CĐCS hoạt động. Nguyên nhân do các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, không quan tâm đến lợi ích của công nhân lao động”.

Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp ở thành phố, thì những năm tới sắp tới sẽ có nhiều doanh nghiệp mới đầu tư vào các khu công nghiệp, từ đó thu hút thêm rất nhiều lao động. Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp thì việc thành lập tổ chức công đoàn doanh nghiệp KVNNN được xem là một trong nhiệm vụ cấp bách. Vì vậy, LĐLĐ các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp hiểu và có ý thức chấp hành pháp luật trong việc thành lập tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh.

Bài, ảnh: AN NGHỆ

Chia sẻ bài viết