Tổng thống Mỹ Barack Obama cuối tuần rồi đã công bố chiến lược mới được coi là toàn diện nhất đối với châu Phi. Hãng tin Anh BBC cho biết đây là kết quả của 4 tháng nghiên cứu của các chuyên gia Mỹ xem xét làm thế nào để giải quyết những thách thức mà châu lục này đang đối mặt, như sự nghèo đói, bất ổn an ninh và chính trị đến tiềm năng kinh tế chưa được khai thác. Ông chủ Nhà Trắng tuyên bố một lục địa bị tàn phá bởi nghèo đói, tham nhũng và xung đột có thể trở thành một câu chuyện thành công kinh tế lớn tiếp theo của thế giới. “Nếu chúng ta hướng đến tương lai thì rõ ràng châu Phi có tầm quan trọng hơn bao giờ hết đối với an ninh và sự thịnh vượng của cộng đồng quốc tế, trong đó đặc biệt là nước Mỹ”, ông Obama nhấn mạnh. Theo hãng tin Pháp AFP, chiến lược mới của Washington là thúc đẩy quan hệ thương mại, tăng cường hòa bình và an ninh, phát triển các thiết chế quản lý tốt và dân chủ, hỗ trợ thế hệ trẻ đang lớn mạnh lãnh đạo châu lục. Và ông cảnh báo: “Nước Mỹ sẽ không đứng ngoài cuộc khi những yếu tố phản tác dụng đe dọa các chính phủ được bầu chọn hợp pháp hay bóp méo sự công bằng và sự chính trực của tiến trình dân chủ”.
Ông Obama có thể chứng minh sự quan tâm của mình dành cho châu Phi, như việc đã mời các nhà lãnh đạo Benin, Ethiopia, Ghana và Tanzania tham gia hội nghị thượng đỉnh Nhóm 8 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-8) được tổ chức tại Mỹ hồi tháng 5, kế hoạch 3 tỉ USD giúp thúc đẩy an ninh lương thực và sản xuất nông nghiệp cho châu Phi, tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Sừng châu Phi và Sa mạc Sahel, duy trì chương trình phòng chống HIV-AIDS giúp chăm sóc y tế cho 6 triệu bệnh nhân từ thời George Bush.
Giải thích thêm về lý do Mỹ sẽ chú trọng tăng cường quan hệ với châu Phi nhân dịp tham dự diễn đàn Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng của châu Phi cũng vừa được tổ chức tại Washington, Ngoại trưởng Hillary Clinton nhấn mạnh lục địa đen là nơi có 6 trong 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hành tinh trong hơn một thập niên qua và đây là “vùng đất của những cơ hội ở thế kỷ 21”. Tuy nhiên, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ không quên tuyên bố “chỉ có sự tăng trưởng kinh tế không thôi chưa đủ, mà châu Phi cần tăng cường an ninh và dân chủ vì một giấc mơ đầy đủ về tương lai hòa bình, tự do, thịnh vượng và phẩm giá cho mọi người”. Trong tiến trình này, bà tuyên bố chỉ có các chính phủ và nhân dân Phi mới có thể tự giải quyết bền vững các thách thức an ninh và chia rẽ nội bộ của mình, nhưng cho rằng “Mỹ là một đối tác có thể giúp tạo ra sự khác biệt tích cực dựa trên nền tảng tôn trọng và đảm bảo mang lại lợi ích cho châu Phi”.
Chiến lược mới đầu tiên cùng những tuyên bố, cam kết trên của Nhà Trắng dành cho châu Phi diễn ra vào thời điểm ông Obama đang vận động chiến dịch tái tranh cử. Cách đây gần 3 năm, ông Obama đã có chuyến thăm Ghana và đưa ra những lời hứa như vậy, nhưng việc triển khai bị lu mờ bởi các cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên, tình hình biến động ở Bắc Phi, Trung Đông, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc tại châu Á...
Tham vọng khôi phục lại vai trò ảnh hưởng to lớn của Mỹ tại châu Phi đã không thể thực hiện như mong muốn, dù đối thủ Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế trên các lĩnh vực đầu tư, thương mại bằng những cách thức gây nhiều tranh cãi tại lục địa giàu năng lượng này. Người ta tự hỏi chiến lược châu Phi mới của ông Obama có thực sự khả thi trước một nước Mỹ đang suy yếu hay chỉ là một “chiêu” vận động tranh cử?! Một vấn đề được cho là có thể tác động đến tình cảm của người dân Mỹ gốc Phi là chiến dịch tiêu diệt mạng lưới khủng bố al-Qaeda bằng máy bay không người lái gây hệ lụy khó lường thông qua nhiều căn cứ không quân bí mật vừa bị phát hiện. Tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố không chỉ bằng biện pháp quân sự, mà trên hết phải xây dựng môi trường ngăn chặn mầm mống, gốc rễ tạo ra nó là xóa đói nghèo, phát triển kinh tế-xã hội.
ĐỨC TRUNG (Theo AFP)