23/11/2020 - 06:29

Chuyện tiếng Anh của người Nhật 

Bất chấp nhiều nỗ lực trong công tác giảng dạy và một lịch sử sử dụng tiếng Anh lâu đời, đa số người dân Nhật Bản vẫn không thể dùng thuần thục ngôn ngữ này. Vì sao?

Yếu tố văn hóa trong cách giảng dạy

Học sinh Nhật trong một giờ tiếng Anh.

Học sinh Nhật trong một giờ tiếng Anh.

Các giáo viên tại Nhật chỉ ra rằng nguyên nhân chính khiến học sinh nước này kém thành thạo tiếng Anh là việc các lớp học còn mang nặng tính “đối phó”. Theo đó, tâm lý học để thi dẫn đến việc các lớp Anh ngữ quá chú trọng vào ngữ pháp và ghi nhớ, hơn là thực hành nên dễ gây nhàm chán cho người học.

Mặt khác, nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng tâm lý không muốn nhận rủi ro trong văn hóa truyền thống khiến nhiều học sinh ngại vượt qua giới hạn của bản thân, đặc biệt là trong kỹ năng nói - điều cần thiết cho việc học ngôn ngữ. Heather Rucker, một giáo viên ngôn ngữ ở Nagoya, nói rằng ban đầu cô giảng dạy theo giáo án chính thức, nhưng nhiều học sinh thường “né” thực hành kỹ năng nói.

Năm ngoái, cuộc kiểm tra quốc gia về trình độ tiếng Anh tại cấp trung học cơ sở cho thấy học sinh Nhật yếu hơn về kỹ năng nói và viết, so với nghe và đọc hiểu. Cụ thể, điểm số trung bình trong phần nghe là 68,3%, đọc hiểu 56,2%, nhưng phần viết chỉ được 46,4% và nói 30,8%. “Kết quả kiểm tra xác nhận rằng học sinh có kỹ năng giao tiếp kém, cả viết và đàm thoại. Chúng tôi xem đó là sự khẳng định lại điều mà lâu nay được coi như một vấn đề trong việc giảng dạy tiếng Anh ở trường học” - Takeshi Hayashi, một quan chức Bộ Giáo dục Nhật, thừa nhận.

Trong bài đăng bằng tài khoản có tên @shirassh, một giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm tại Nhật tiết lộ rằng để tránh bị kỳ thị bởi bạn cùng lớp, một số du học sinh trở về từ hải ngoại khi trao đổi với giáo viên thì phát âm tiếng Anh chuẩn, nhưng sau đó sẽ quay về sử dụng “Katakana English” (tiếng Anh phát âm theo tiếng Nhật) cho giống bạn bè. Tiết lộ này nhận được sự đồng tình của nhiều người từng đối mặt với áp lực tương tự. “Dù lớn lên ở một nước nói tiếng Anh, tôi hoàn toàn không nói được ngôn ngữ này khi đến trường học ở Nhật. Khi tôi giơ tay phát biểu, các bạn sẽ cười khúc khích”- một cư dân mạng chia sẻ.

Tiếng Anh trong lịch sử Nhật

Việc người Nhật không giỏi tiếng Anh được xem là điều đặc biệt bất ngờ vì ngôn ngữ này từng biểu thị cho đặc quyền tại đất nước Mặt trời mọc. Tiếng Anh đã trở thành một công cụ của giới thượng lưu trong suốt thời Minh Trị (1868-1912), khi nước Nhật chạy đua không ngừng nghỉ để bắt kịp công nghệ với phương Tây. Gần đây hơn, sự hiện diện của hàng chục ngàn binh sĩ Mỹ cũng tạo điều kiện cho dân Nhật nói tiếng Anh.

Trong thực tế, ngày càng có nhiều từ vay mượn từ tiếng Anh được bổ sung vào từ vựng Nhật, trong khi các bảng hiệu, khẩu hiệu, quảng cáo và diễn giả sử dụng tiếng Anh trở nên phổ biến.

Song, bất chất sự phát triển như vậy của tiếng Anh, các nghiên cứu ước tính rằng có chưa đến 30% dân số Nhật nói tiếng Anh ở bất kỳ trình độ nào, không tới 8% và có thể là chỉ 2% nói tiếng Anh trôi chảy. Đa số người dân chỉ đơn giản nghĩ là họ không cần đến ngôn ngữ này trong cuộc sống hàng ngày. Mặt khác, người Nhật có nỗi sợ mất đi truyền thống, văn hóa của họ.

Lệ thuộc vào... máy dịch

Chẳng hạn, trang web chính thức của quận Meguro tại thủ đô Tokyo đã dịch từ “kurashi” vốn nghĩa là “cuộc sống” thành “vật chất tối”, trong khi chính quyền Kobe dịch từ “sumai” nghĩa là “nhà” thành “Tôi xin lỗi”. Trong trường hợp này, máy dịch dường như đã đọc sai từ gốc “sumai” thành “sumanai”, một hình thức xin lỗi thông thường của người Nhật.

Cũng vì lo ngại nguy cơ thông tin chính thức bị dịch sai có thể gây ra tác động tiêu cực đối với ngành du lịch và cộng đồng người nước ngoài ngày một đông tại Nhật trong các trường hợp khẩn cấp, nhóm tình nguyện của Chikako Tsuruta  - một thông dịch viên giàu kinh nghiệm - đang liên lạc với chính quyền và tổ chức địa phương để khắc phục việc “cậy nhờ” máy dịch chuyển ngữ thông tin trên trang web chính thức và biển báo công cộng. “Chúng tôi không cố gắng coi thường hoặc chế giễu ai. Nhưng với việc Thế vận hội Olympic có thể sẽ diễn ra vào năm sau, chúng tôi muốn tiếng Anh của quốc gia tốt hơn và có thể giới thiệu với các nước còn lại trên thế giới”- bà Tsuruta giải thích.

Sẽ thay đổi vì yếu tố kinh tế?

Theo các chuyên gia, lợi ích kinh tế thiết thực của tiếng Anh đối với nước Nhật là chuyện rõ ràng. Trong khi dân số Nhật giảm kỷ lục vào năm 2019, người nước ngoài tại đây chiếm hơn 2% dân số quốc gia, tức gần gấp đôi tỷ lệ này cách đây 20 năm. Trong 2 năm gần đây, Tokyo cũng tạo ra các chương trình thị thực mới để thu hút thêm lao động nước ngoài, nhân viên có tay nghề cao.

Liang Morita, giáo sư ngôn ngữ và văn hóa tại Đại học Nagoya, nhận định: “Nếu Nhật bằng lòng với việc không được kết nối với phần còn lại của thế giới, nước này không cần đến tiếng Anh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lớn như Toyota và Shiseido nhận thấy rằng chỉ riêng thị trường Nhật là không thể duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận mà họ mong muốn. Vì vậy, Nhật cần tiếng Anh để kinh doanh với các nước còn lại trên thế giới”.

Theo một khảo sát thực hiện năm 2019, Nhật đã giảm xuống hạng thứ 53 về trình độ Anh ngữ toàn cầu, nằm trong danh sách các quốc gia có trình độ sử dụng tiếng Anh thấp. Nhật gần như đứng ở cuối trong số các nước phát triển và châu Á, mặc dù chính phủ liên tục cải tổ và hoàn thiện chương trình giảng dạy tiếng Anh.

ĐÔNG PHONG (Theo Guardian, Foreign Policy)

Chia sẻ bài viết