27/05/2024 - 21:00

Chuyến thăm tăng cường quan hệ Pháp - Đức 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm cấp nhà nước 3 ngày tới Ðức, nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nền dân chủ trước chủ nghĩa dân tộc trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) sắp tới.

Tổng thống Pháp Macron (trái) và Tổng thống Đức Steinmeier phát biểu tại cuộc họp báo chung ngày 26-5. Ảnh: Reuters

“Mối quan hệ Pháp - Ðức là rất cần thiết và quan trọng đối với châu Âu,” ông Macron nói ngay khi đến thủ đô Berlin. Ông cũng bác bỏ ý kiến ​​cho rằng quan hệ này, thường được mô tả là động lực cho châu Âu cả về chính trị và kinh tế, đang bắt đầu gặp trở ngại.

Tổng thống Macron đã được người đồng cấp Ðức Frank-Walter Steinmeier tiếp đón theo nghi lễ nhà nước tại cung điện Bellevue vào tối 26-5. Tổng thống Steinmeier gọi chuyến thăm của ông Macron là “bằng chứng cho tình hữu nghị sâu sắc giữa Ðức và Pháp”, đồng thời nhấn mạnh rằng mặc dù đôi khi khác nhau về các chính sách riêng lẻ, Berlin và Paris cuối cùng vẫn “đi đến thống nhất”.

Chuyến thăm của ông Macron diễn ra trong bối cảnh Ðức kỷ niệm 75 năm Hiến pháp hậu Thế chiến thứ Hai. Theo hãng tin AFP, chuyến đi của ông Macron sẽ tìm cách tô đậm tầm quan trọng lịch sử của mối quan hệ thời hậu chiến giữa các quốc gia chủ chốt trong EU.

Pháp vào tháng tới sẽ kỷ niệm 80 năm ngày đổ bộ D-Day, sự kiện đánh dấu khởi đầu cho kết thúc sự chiếm đóng của Ðức Quốc xã trong Thế chiến thứ Hai.

Tuy nhiên, mọi chuyện không hề suôn sẻ trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất EU và các quan chức Ðức đôi khi được cho là không thoải mái về phong cách của Tổng thống Macron liên quan chính sách đối ngoại.

Việc ông Macron hồi đầu năm không loại trừ khả năng gửi quân tới hỗ trợ Ukraine đã gây ra phản ứng gay gắt bất thường từ Thủ tướng Ðức Olaf Scholz. Pháp còn nhấn mạnh mong muốn thiết lập quyền tự chủ chiến lược cho EU để giúp khối này ít phụ thuộc hơn vào Mỹ. Nhưng Berlin không có chung sự nhiệt tình với ông Macron về vấn đề này. Trong khi đó, Paris đã bày tỏ lo ngại về quyết định của Berlin mua các thiết bị chủ yếu do Mỹ sản xuất cho “chiếc ô phòng không” của EU, mang tên Sáng kiến ​​Lá chắn Bầu trời châu Âu.

Tuy vậy, ông Macron đã nỗ lực bác bỏ những thảo luận về mối bất hòa, nói rằng sự phối hợp với Ðức đóng vai trò quan trọng trong những năm qua. Ông viện dẫn các thỏa thuận về lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan cuộc chiến ở Ukraine và hành động thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới kinh tế châu Âu sau đại dịch COVID-19.

Pháp và Ðức gần đây đã nhất trí về một số vấn đề, bao gồm cải cách các quy định về nợ và thâm hụt của EU, song vẫn còn nhiều điểm bất đồng, đặc biệt là mức độ viện trợ quân sự cho Ukraine và phản ứng chính sách kinh tế của EU đối với các biện pháp bảo hộ của Trung Quốc và Mỹ.

“Mối quan hệ Pháp - Ðức là bất đồng và đang cố gắng tìm cách thỏa hiệp”, Helene Miard-Delacroix, chuyên gia về lịch sử Ðức tại Ðại học Sorbonne ở Paris, nhận định.

Mặc dù Tổng thống Macron thường xuyên tới Berlin song chuyến công du lần này của ông tới thủ đô Berlin là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Pháp tới Ðức trong 24 năm kể từ khi cựu Tổng thống Jacques Chirac đến Ðức vào năm 2000.

Chuyến thăm của Tổng thống Macron diễn ra 2 tuần trước cuộc bầu cử EP, dự kiến diễn ra tại Pháp ngày 9-6 tới, mà các cuộc thăm dò cho thấy liên minh trung dung của ông đang xếp sau đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN). Liên minh này thậm chí có thể chật vật cán đích ở vị trí thứ ba. Ở Đức cũng vậy, cả ba đảng trong liên minh của Thủ tướng Scholz xếp sau đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Ðức (AfD) trong các cuộc khảo sát, bất chấp một loạt bê bối liên quan đến đảng có quan điểm phản đối nhập cư này.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết