29/11/2023 - 22:44

Chuyến thăm “chữa cháy” của tỉ phú Elon Musk 

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Tỉ phú Elon Musk vừa đến thăm ngôi làng ở miền Nam Israel mà tháng rồi đã bị phong trào Hồi giáo Hamas tàn phá, trong chuyến đi nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ bắt nguồn từ việc ông ủng hộ bài đăng về chủ nghĩa bài Do Thái trên mạng xã hội X.

Hồi đầu tuần, ông Musk cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các nhân viên an ninh đã đến thăm Kfar Aza, một trong những ngôi làng đầu tiên Hamas tràn vào khi mở đợt tấn công quy mô chưa từng có trong lãnh thổ Israel vào ngày 7-10. Tỉ phú Mỹ cũng được xem video về vụ đột kích đẫm máu trên và gặp gỡ một số thân nhân của những người bị bắt làm con tin.

Trong cuộc trao đổi ngắn trên X sau đó, ông Musk và Thủ tướng Netanyahu nhất trí rằng Hamas cần phải bị loại bỏ, nhiệm vụ mà Tel Aviv sử dụng như cái cớ để tiến hành chiến dịch quân sự ở Dải Gaza. Ông Musk còn gợi ý để Israel sử dụng Starlink, mạng lưới hàng ngàn vệ tinh thuộc công ty SpaceX có thể cung cấp Internet tốc độ cao trên toàn thế giới. Tỉ phú 52 tuổi đã đồng ý không cung cấp quyền truy cập Internet cho Gaza thông qua Starlink khi chưa có sự cho phép của Israel. Ông Musk cũng cam kết chuyển lợi nhuận quảng cáo từ những nội dung liên quan đến nạn nhân Israel và Dải Gaza thành quỹ hỗ trợ mọi bệnh viện tại hai vùng đất này.

Tỉ phú Musk (giữa) cùng Thủ tướng Israel Netanyahu (phải) mặc áo giáp chống đạn đến thăm làng Kfar Aza ngày 27-11. Ảnh: Getty Images

Tại cuộc gặp với Tổng thống Israel Isaac Herzog, ông Musk khẳng định: “Chúng ta phải làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn sự thù ghét”. Phát biểu được đưa ra sau khi Tổng thống Herzog nói tỉ phú công nghệ đóng vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống chủ nghĩa bài Do Thái trên toàn cầu.

“Chuyến đi PR”

Chuyến thăm Israel của Elon Musk diễn ra sau làn sóng phản ứng dữ dội đối với một bài đăng trên X bị cho là bài Do Thái. Vào ngày 15-11, ông Musk đã bày tỏ đồng ý với bài đăng trên X có nội dung rằng người Do Thái “đang khơi dậy lòng căm thù với người da trắng”. Tỉ phú Musk bình luận rằng tác giả bài đăng, người đề cập thuyết âm mưu “Ðại Thay thế”, đang “nói lên sự thật”, nhưng không lâu sau ông đã xóa bình luận này.

Nhà Trắng cáo buộc ông Musk “lặp lại thuyết âm mưu sai lệch”, có hành động “truyền bá chủ nghĩa bài Do Thái, phân biệt chủng tộc, đi ngược lại các giá trị cốt lõi của người Mỹ”. Ngoài ra, Media Matters, tổ chức phi chính phủ cánh tả chuyên nghiên cứu và giám sát truyền thông tại Mỹ, đã đăng thông tin rằng quảng cáo của nhiều công ty lớn tại Mỹ được đặt cùng với những bài đăng có nội dung bài Do Thái, ủng hộ chủ nghĩa phát xít trên X.

Kết quả là hàng chục thương hiệu lớn, bao gồm Apple và IBM, đã rút hoặc tạm ngừng quảng cáo trên X để phản đối, khiến mạng xã hội của ông Musk có thể chịu thiệt hại về doanh thu quảng cáo lên đến 75 triệu USD từ nay đến cuối năm. Ðứng trước làn sóng phản đối và nguy cơ mất nguồn thu từ quảng cáo của các tập đoàn lớn, ông Musk vội vàng đến thăm Israel.

Tuy nhiên, Nora Benavidez, Giám đốc Quỹ Hành động Tự do Báo chí (Mỹ) mô tả những gì diễn ra trong chuyến thăm Israel của ông Musk “giống một thương vụ hơn là nỗ lực hàn gắn”. Esther Solomon, Tổng Biên tập Haaretz, tờ báo thiên tả tại Israel, phê phán chuyến thăm trên là “chuyến đi PR”.

Ông Musk còn bị hoài nghi trên mạng vì không đến thăm Dải Gaza bất chấp nhiều người thiệt mạng và sự tan hoang của dải đất này sau các cuộc ném bom của Israel. Tỉ phú Musk mới đây nói rằng ông chưa sẵn sàng đến thăm Gaza theo lời mời của Hamas do tình hình tại đây “quá nguy hiểm”, theo tờ TASS. Hôm 28-11, quan chức cấp cao của Hamas, Osama Hamdan, cho biết họ mời ông Musk đến Gaza “để chứng kiến mức độ tàn phá nơi đây, nhằm đảm bảo tính khách quan và đáng tin cậy”.

Ngày 28-11, Hamas đã giải thoát thêm 12 con tin và Israel thả 30 tù nhân Palestine. Tổng số con tin được Hamas thả kể từ khi bắt đầu lệnh ngừng bắn là 81 người, trong khi Israel đã trả tự do cho 180 tù nhân Palestine.

Chia sẻ bài viết