02/09/2015 - 17:06

Người tị nạn “mắc kẹt” ở Hungary:

Chúng tôi sẽ về đâu?

Đó là câu hỏi mà hàng ngàn người tị nạn đang đối mặt sau khi Hungary quyết định đóng cửa nhà ga chính ở Thủ đô Budapest nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư từ các khu vực có chiến tranh ở Trung Đông tìm cách sang các nước Áo và Đức.

Theo quy định hiện nay của Liên minh châu Âu (EU), hay cụ thể hơn là theo Thỏa thuận Dublin, người tị nạn vẫn phải ở lại quốc gia châu Âu nơi họ đặt chân đến đầu tiên trong khi đơn xin xét cấp thị thực nhập cảnh đang được xử lý. Những người cố tình đi sang các nước thành viên khác của EU cũng sẽ bị trục xuất về nước ban đầu. Do đó, Hungary hiện đang trở thành cửa ngõ chính khi dòng người nhập cư chạy trốn chiến tranh và bất ổn ở Trung Đông, châu Phi và châu Á đổ về ngày càng nhiều với hy vọng đến các nước châu Âu giàu có ở phía Bắc và phía Tây "lục địa già".

Cảnh sát Hungary đóng cửa ga xe lửa chính ở Budapest để ngăn làn sóng di dân và hình ảnh người nhập cư vất vưởng tại trạm xe. Ảnh: Reuters

 

Đến hôm 1-9, chính quyền Hungary buộc phải đóng cửa ga xe lửa chính ở Thủ đô Budapest và huy động hàng trăm cảnh sát canh gác cũng như đưa những người tị nạn ra khỏi nhà ga. Khi màn đêm buông xuống, hơn 300 người di cư vẫn bị cấm bên ngoài trong khi Ủy ban nhân quyền Helsinki Hungary cảnh báo tình hình "rất căng thẳng và khó lường". Nhà ga sau đó đã mở cửa trở lại nhưng giới quan chức đường sắt Hungary cho biết họ chỉ cho phép những người có giấy tờ hợp lệ lên tuyến xe lửa đến Tây Âu. Động thái này khiến những người di cư tức giận và tụ tập bên ngoài nhà ga. Họ tự hỏi trong tuyệt vọng rằng bản thân, gia đình và hàng ngàn người khác phải đi về đâu.

Đến thời điểm hiện tại, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) ghi nhận có hơn 350.000 người di cư tại biên giới các nước EU so với con số 280.000 của cả năm 2014. Phần lớn trong số họ đến từ Syria, Afghanistan, Eritrea, Ethiopia, Sudan và Somalia. Xung đột ở Trung Đông và châu Phi cũng đang góp phần đẩy làn sóng di cư thành cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất ở châu Âu kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tình trạng này tạo nên sự chia rẽ trước cuộc họp khẩn của 28 nước thành viên EU dự kiến diễn ra vào ngày 14-9 tới. Hungary đã lên tiếng chỉ trích Berlin về xu hướng mở cửa với người nhập cư để giảm áp lực lên các nước miền Nam châu Âu bởi theo chính quyền Thủ tướng Viktor Orban, chính sách này có thể tạo cơ hội cho những người nhập cư bất hợp pháp. Trong khi đó tại Áo, hàng ngàn người lại lên tiếng ủng hộ những người di cư với các khẩu hiệu ủng hộ "Người tị nạn được chào đón ở đây" được hô vang bên ngoài nhà ga chính ở Thủ đô Vienna.

Tính đến nay, Đức là điểm đến phổ biến nhất đối với người di cư sang châu Âu và cũng là quốc gia có khả năng chấp nhận số người tị nạn lớn nhất châu lục này với ước tính khoảng 800.000 đơn xin được xét trong năm nay. Nhưng trước làn sóng tràn vào Munich và Rosenheim từ các tuyến xe lửa ở Áo và Hungary, Berlin hôm 1-9 cho biết các quy tắc vẫn còn hiệu lực và kêu gọi các nước EU khác tuân thủ điều này.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Phá mạng lưới làm hộ chiếu Syria giả tại châu Âu

Giám đốc Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) Fabrice Leggeri cho biết cơ quan này ngày 1-9 đã phát hiện một mạng lưới làm hộ chiếu Syria giả tại Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đưa trái phép người di cư vào EU.

Theo ông Fabrice Leggeri, hiện những người ở Thổ Nhĩ Kỳ mua các hộ chiếu Syria giả vì họ hiểu rằng người dân Syria được phép xin tị nạn tại tất cả các quốc gia EU. Những người sử dụng hộ chiếu Syria giả thường nói tiếng A-rập, có thể xuất thân từ Bắc Phi, Trung Đông hoặc là những người di cư vì lý do kinh tế.

Mặc dù chưa có bằng chứng để khẳng định những phần tử khủng bố đã vào châu Âu bằng hộ chiếu giả, song Giám đốc Frontex vẫn kêu gọi giới chức các nước EU cần nâng cao cảnh giác tại khu vực biên giới. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh các nước cần phối hợp trong hoạt động tuần tra, giám sát chung tại khu vực biên giới giữa các quốc gia thành viên EU và khu vực Schengen.

Chia sẻ bài viết