09/06/2012 - 21:06

Chưa hội đã lo rã

Hội nghị cấp cao Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững, hay còn gọi là Hội nghị Trái đất Rio+20, còn đúng 10 ngày nữa là sẽ diễn ra tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil. Đây là dịp nhìn lại 20 năm thực hiện các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất cũng từng được tổ chức ở Rio de Janeiro năm 1992 và phác thảo chương trình hành động mới “Vì một tương lai mà nhân loại mong muốn” có tầm quan trọng đến độ Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon phải nhấn mạnh “cơ hội chỉ có một lần trong một thế hệ con người”. Ấy vậy mà như báo Guardian của Anh số ra ngày 8-6 cho biết, bản dự thảo mới nhất của văn kiện dự kiến trình lãnh đạo 180 nước tham dự hội nghị thông qua cho thấy đã có “những xung đột” rất lớn giữa các nước, đe dọa làm đổ vỡ các cuộc đàm phán sắp tới.

Guardian dẫn báo cáo của LHQ cho biết sau cuộc thương lượng kéo dài gần hai tuần, chỉ khoảng 20% nội dung văn kiện tìm được tiếng nói chung giữa các nước. Điều đó cho thấy một khối lượng công việc còn hết sức nặng nề mà đại diện các nước cần giải quyết từ nay đến ngày diễn ra hội nghị chính thức. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là việc các nước đang phát triển kêu gọi có thêm điều khoản về “các nguồn tài chính mới và bổ sung” cho việc thực hiện các chương trình hành động trong tương lai, nhưng bị các nước phát triển phản đối, khiến đại diện của Pakistan – thay mặt các nước đang phát triển trong nhóm G77 và Trung Quốc – phẫn nộ, cho rằng như vậy thì không còn gì để thương lượng nữa với các nước phát triển. Một vấn đề khác cũng gây tranh cãi không kém là vai trò của “kinh tế xanh” trong phát triển bền vững của thế giới. G77 yêu cầu chủ tịch hội nghị giữ lại tiêu đề mà nhóm này đã đề nghị trước đó, trong đó nêu rõ “Xác lập bối cảnh cho kinh tế xanh, thách thức và cơ hội, cũng như các mục tiêu, tầm nhìn và mô hình phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo khác”, nhưng Mỹ, Thụy Sĩ, Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc lại phản đối.

Theo báo Guardian, các nước sẽ có thêm ba ngày để thương lượng trước thềm hội nghị chính thức vào ngày 20-6 tới. Ba ngày đàm phán này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 13-6. Tổng Giám đốc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) Jim Leape lo ngại 3 ngày ngắn ngủi khó giải quyết những bất đồng giữa các nước, khi ấy thỏa thuận cuối cùng có thể sẽ “yếu ớt đến vô nghĩa” hoặc sẽ “đổ vỡ hoàn toàn”.

Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) mới đây công bố báo cáo lần thứ 5 về “Triển vọng môi trường toàn cầu” (GEO-5), trong đó cảnh báo các hệ thống môi trường của Trái đất đang bị đẩy tới giới hạn vật lý và sinh học cao nhất và nguy cơ tiềm tàng về một thảm họa môi trường bất ngờ chưa từng thấy đã hiện rõ. Báo cáo cũng khẳng định môi trường toàn cầu đã ở thời điểm bước ngoặt nguy hiểm. Biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt của tầng ôdôn, các nguồn hải sản giảm mạnh và sự tuyệt chủng của hàng loạt động vật là những đe dọa môi trường nghiêm trọng nhất. Dân số toàn cầu tăng nhanh, đô thị hóa và tiêu dùng không bền vững đã gây ra những tổn hại không thể ngờ đối với hành tinh.

Phó Tổng Thư ký LHQ đồng thời là Tổng Giám đốc UNEP, Achim Steiner, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách các nước và quốc tế hành động khẩn cấp để xác định các mục tiêu môi trường mới tại Rio+20, vì đây là diễn đàn lý tưởng để thúc đẩy các biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thảm họa môi trường. Thời gian không còn nhiều để hành động khi dân số thế giới đang tăng nhanh đến 9 tỉ người vào năm 2050 và nền kinh tế toàn cầu đã tiêu dùng gần cạn kiệt các nguồn tài nguyên của Trái đất. Nếu xu hướng hiện nay vẫn tiếp tục, nếu các mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện nay không thay đổi, thế giới sẽ phải chứng kiến các mức độ thiệt hại và suy thoái môi trường chưa từng thấy.

NHẬT QUANG

Chia sẻ bài viết