Tổng thống Brazil Dilma Rousseff hôm 27-6 đã bắt đầu chuyến thăm Mỹ sau 2 năm trì hoãn liên quan vụ bê bối do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Ngoài cải thiện quan hệ song phương, giới quan sát nhận định chuyến đi "cấp bách" của bà Rousseff đặc biệt còn nhằm thuyết phục giới đầu tư Mỹ tại thời điểm kinh tế quốc gia Mỹ La-tinh đang trên đà tụt dốc.
Được biết, Tổng thống Rousseff hôm 29-6 đã có cuộc họp với ngân hàng và các nhà đầu tư tại New York để thảo luận dự án phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ trị giá 63 tỉ USD nhằm kích thích nền kinh tế gần như không tăng trưởng trong năm rồi. Ngoài ra, Brasília cũng cần nguồn vốn để thúc đẩy hoạt động khai thác các mỏ dầu có trữ lượng khổng lồ vốn ngày càng trì trệ liên quan vụ bê bối tham nhũng và quản lý yếu kém của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Petrobas.
Sau đó, bà Rousseff sẽ bay đến Thủ đô Washington cùng ăn tối và làm việc với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng trước khi gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - người đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quan hệ hai nước. Ngoài thương mại, vấn đề giáo dục - công nghệ, an ninh quốc phòng, hợp tác khu vực và toàn cầu sẽ là nội dung chính trong chương trình nghị sự.
Theo giới quan sát, mục đích lớn nhất của bà Rousseff trong chuyến đi Mỹ lần này là tái lập lòng tin giữa hai nước, nhưng quan trọng hơn là vực dậy nền kinh tế và nỗ lực khôi phục uy tín tại quê nhà. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở Brazil tính đến tháng 5 đã tăng lên 6,7%, còn lạm phát dự báo cán mức 9% trong năm nay. Trong khi đó, kết quả điều tra của Viện thăm dò dư luận xã hội Datafolha trong tháng 6 cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Rousseff kể từ khi tái đắc cử Tổng thống Brazil hồi tháng 10-2014 đã giảm xuống mức thấp kỷ lục (10%) do ảnh hưởng từ vụ tham nhũng chấn động của Tập đoàn Petrobas.
Hồi tháng 5 vừa qua, bà Rousseff thông báo Brazil thu hút hàng tỉ USD vốn đầu tư từ Trung Quốc sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Đầu tháng 6 này, tại Brussels (Bỉ), bà tuyên bố Brazil và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur sẵn sàng xúc tiến thỏa thuận thương mại bị trì hoãn bấy lâu nay với Liên minh châu Âu (EU).
"Có những dấu hiệu cho thấy Brazil buộc phải thay đổi"-Jason Marczak, Phó Giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương thuộc Trung tâm Mỹ La-tinh Adrienne Arsht có trụ sở ở Washington, nhận xét: "Dilma có nhiều thứ có thể đạt nhưng cũng có nhiều thứ có thể mất so với Obama. Chuyến thăm này là cơ hội để tái khởi động quan hệ ở cấp độ tổng thống".
MAI QUYÊN (Theo WP, AFP)