20/01/2019 - 09:07

Chờ đợi gì ở thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai? 

Trong tuyên bố hôm 18-1, Nhà Trắng  xác nhận hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra vào cuối tháng 2 tới.

Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol (trái) tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Washington. Ảnh: AP

Thông báo được đưa ra sau cuộc gặp giữa Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên Kim Yong-chol với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Trong 90 phút, hai bên đã thảo luận vấn đề phi hạt nhân hóa cũng như tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong-un vào cuối tháng 2. Về phần địa điểm, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết thông tin này sẽ công bố sau.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc trong tuyên bố cam kết thúc đẩy đối thoại liên Triều nhằm đảm bảo thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra thành công. Seoul cũng sẽ hợp tác với Mỹ cùng nhiều quốc gia khác với hy vọng hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là “bước ngoặt” thiết lập nền tảng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Hiện có tin đặc phái viên Mỹ Steve Biegun phụ trách tiến trình đàm phán với Triều Tiên sẽ đến Thụy Điển cuối tuần này để tham dự hội nghị với các chuyên gia quốc tế. Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui và phái viên Hàn Quốc phụ trách các vấn đề an ninh và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên Lee Do-hoon cũng có mặt tại sự kiện này.

Tin tức về thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 cho thấy tín hiệu hiếm hoi trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán giải trừ hạt nhân vốn bị đình trệ kể từ cuộc gặp lịch sử Trump-Kim ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái. Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết Bình Nhưỡng đã có những bước đi thiện chí, bao gồm trả tự do cho các công dân Mỹ. Tổng thống Trump và đặc sứ hàng đầu về hạt nhân của Triều Tiên cũng có buổi làm việc hiệu quả hôm 18-1, nhưng bà Sanders nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục duy trì sức ép và các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Đông Bắc Á cho đến khi xác nhận được mục tiêu “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể được xác minh”.

Cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore kết thúc với cam kết hợp tác của ông Kim hướng đến phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cam kết này khá “mơ hồ” bởi Bình Nhưỡng đến nay vẫn chưa có những hành động mà Washington coi là bước đi cụ thể hướng tới giải trừ hạt nhân. Theo chuyên gia phân tích Jenny Town, Triều Tiên có lẽ đang tìm kiếm thông điệp rõ ràng từ chính quyền Trump về các nhượng bộ mà Washington sẵn sàng đặt lên bàn đàm phán. Hôm 16-1, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết Mỹ có thể chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), cung cấp viện trợ nhân đạo hoặc thiết lập kênh đối thoại song phương thường trực nếu Bình Nhưỡng có những bước đi cụ thể hướng tới giải trừ hạt nhân.

Trước những diễn biến hiện nay, chuyên gia về Triều Tiên Harry Kazianis nói rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Mỹ-Triều Tiên cũng là bước phát triển tích cực, nhưng để đạt được thỏa thuận vẫn còn là thách thức.Về hội nghị thượng đỉnh sắp tới, ông Kazianis cho rằng hai bên ít nhất cần cho thấy một số lợi ích thiết thực từ những nỗ lực ngoại giao của họ hoặc nỗ lực đó sẽ bị chỉ trích là chẳng khác gì một chương trình truyền hình thực tế. Về bước đi cụ thể, Bình Nhưỡng có thể chấp nhận đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon để đổi lấy việc Washington nới lỏng các lệnh trừng phạt hoặc một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Theo ông Kazianis, thỏa thuận đảm bảo hai bên cùng có lợi như vậy là rất cần thiết để tạo đà cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết