12/07/2022 - 09:22

Chính quyền Biden khó thay đổi chính sách Trung Đông 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden từng tìm cách tái định hình chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Ðông, khuyến khích thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Nhưng trên thực tế, ông đang chật vật trong việc lái cách tiếp cận của mình khỏi người tiền nhiệm Donald Trump.

Tổng thống Biden sẽ bắt đầu công du Trung Ðông vào ngày mai 13-7.Ảnh: Getty Images

Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm Trung Ðông từ ngày 13 đến 16-7 của Tổng thống Biden là Israel. Thái độ của chủ nhân Nhà Trắng đối với Israel đã thay đổi kể từ khi ông đưa ra những phát biểu cứng rắn lúc tranh cử. Vào năm 2019, ông Biden lên án tuyên bố của chính quyền Trump ủng hộ quyền của Israel trong việc xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây chiếm đóng, phê phán đây là động thái gây trở ngại cho các cuộc đàm phán  hòa bình giữa Israel và Palestine.

Ðến khi trở thành tổng thống, ông Biden không thể gây sức ép để buộc Israel ngừng xây dựng các định cư Do Thái và cũng không đề xuất sáng kiến mới nào nhằm tái khởi động các cuộc hòa đàm bế tắc kéo dài giữa Israel và Palestine. Vị này cũng phớt lờ quyết định năm 2019 của cựu Tổng thống Trump về việc công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, vốn đảo ngược chính sách kéo dài hơn nửa thế kỷ của Mỹ.

Chuyến công du sắp tới của Tổng thống Biden cũng bao gồm cuộc gặp Vua Salman và Thái tử Mohammed bin Salman, người cai trị thực tế tại Saudi Arabia hiện nay. Cơ quan tình báo Mỹ dưới thời ông Biden từng công bố báo cáo cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman đứng sau vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi hồi năm 2018.

Còn nhớ trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Biden đã gọi Saudi Arabia là quốc gia “bị bài xích”, đồng thời cam kết sẽ điều chỉnh quan hệ với Riyadh. Nhưng hiện nay, ông Biden nhận thấy “ve vãn” Saudi Arabia sẽ có lợi hơn là cô lập nước này.

Ông Biden cũng từng khẳng định Saudi Arabia sẽ “phải trả giá” vì vấn đề nhân quyền. Lời lẽ mạnh mẽ này khiến ứng viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ tương phản với ông Trump, người đã chọn Saudi Arabia để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống và khen Saudi Arabia là “đồng minh lớn” thậm chí sau vụ sát hại Khashoggi.

Theo giới phân tích, Tổng thống Biden dường như đang nỗ lực tìm kiếm trạng thái cân bằng hơn trong chính sách Trung Ðông của ông, tập trung vào những gì khả thi trong khu vực giữa lúc Israel cùng một số quốc gia Arab sẵn sàng bắt tay để cô lập “kẻ thù chung” là Iran và xem xét hợp tác kinh tế.

Cuối tuần qua, Tổng thống Biden đã sử dụng một bài viết trên tờ Washington Post để tuyên bố rằng Trung Ðông đã trở nên “ổn định và an toàn hơn” trong gần 18 tháng ông nắm quyền tại Nhà Trắng. Ông chỉ ra những nỗ lực của chính quyền Mỹ trong việc thúc giục liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu và lực lượng nổi dậy Houthi đồng ý với lệnh ngừng bắn (hiện đã bước sang tháng thứ 4), sau cuộc chiến kéo dài 7 năm ở Yemen, khiến 150.000 người chết. Nhà lãnh đạo xứ cờ hoa cũng dẫn chứng những thành tựu có liên quan đến chính quyền ông như giúp dàn xếp lệnh ngừng bắn kết thúc 11 ngày giao tranh giữa Israel và phong trào Hamas năm ngoái, hạn chế sức mạnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) trong khu vực và kết thúc sứ mệnh chiến đấu của Mỹ tại Iraq.

Tuy nhiên, Tổng thống Biden đã tránh đối mặt với một số vấn đề gây tranh cãi, bao gồm những chuyện mà ông từng chỉ trích ông Trump.

Chia sẻ bài viết