13/12/2018 - 21:09

Chiến lược mới của Mỹ tại châu Phi  

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố chiến lược mới tại châu Phi cuối tuần này, trong đó chủ yếu tập trung vào việc chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như nỗ lực của Nga nhằm có được chỗ đứng tại các quốc gia giàu tài nguyên nhưng nhiều bất ổn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Djibouti Ismail Omar Guelleh. Ảnh: Reuters

NBC News dẫn lời một số quan chức cấp cao Mỹ giấu tên cho biết, chiến lược trên sẽ kêu gọi củng cố quan hệ giữa Mỹ với các nước được xem là “dễ bị xiêu lòng” trước các thỏa thuận từ Nga và Trung Quốc. Theo NBC News, chiến lược này cho thấy sự thay đổi quan điểm của Washington, trong đó nhấn mạnh sự cạnh tranh của Mỹ với Nga và Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu, thay vì tập trung vào việc chống lại các mối đe dọa khủng bố như trước đây. Reuters mới đây cho hay, quân đội Mỹ trong vài năm tới sẽ rút hàng trăm binh sĩ đang tham gia hoạt động chống khủng bố ở châu Phi để hỗ trợ cho nỗ lực chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc và Nga. Theo một quan chức Mỹ giấu tên, việc cắt giảm nhân sự này sẽ diễn ra trong vòng 3 năm tới, chủ yếu là binh sĩ Mỹ đang hoạt động ở Kenya, Cameroon và Mali. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng động thái này không chỉ gây nguy hiểm đối với an ninh trong khu vực mà còn làm tổn thương quan hệ của Mỹ với các chính quyền địa phương.

Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, chiến lược trên không kêu gọi dành nhiều nguồn quỹ cho hoạt động ngoại giao, thu thập thông tin tình báo cũng như công tác viện trợ của Washington mà thay vào đó là sử dụng các nguồn lực hiện có một cách hiệu quả hơn. Nhà Trắng dự kiến sẽ xem một số quốc gia như là “đầu tàu” cho chiến lược của mình, chẳng hạn như Kenya, đồng minh lâu đời của Mỹ. Đối với nỗ lực chống khủng bố, Washington sẽ tìm cách duy trì quan hệ đối tác quan trọng với các nước như Somalia, Libya và Mali.

Chiến lược mới tại châu Phi của Mỹ được xem xét  trong bối cảnh giới chuyên gia cho rằng Mỹ đang tụt hậu so với Trung Quốc ở châu Phi, nơi Bắc Kinh đầu tư hàng tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng và sử dụng sức mạnh kinh tế để tăng cường lợi ích an ninh. Đến nay, Trung Quốc đã xây dựng một căn cứ quân sự rộng lớn ở Djibouti, “sát vách” căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ tại khu vực. Giới lập pháp và tướng lĩnh Mỹ hiện đang lo ngại về tương lai của căn cứ của Mỹ tại châu Phi, đồng thời cho rằng Trung Quốc có thể sớm giám sát các hoạt động tại một cảng quan trọng ở Djibouti vốn trước đây do một công ty của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) điều hành, tạo cho Trung Quốc một bước tiến quan trọng tại lối vào phía Nam Biển Đỏ vốn là tuyến đường đến Kênh đào Suez. Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây nhiều tuyến đường, thiết lập nhiều tuyến cáp quang và cung cấp vốn xây dựng các cơ sở hạ tầng “khủng” khác tại châu Phi, khiến nhiều nước tại đây phải “lâm nợ”, mang lại cho Bắc Kinh chỗ đứng vững vàng trong những năm tới.

Ngoài sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của châu Phi, Nga trong thời gian qua đã nhanh chóng vun đắp quan hệ trên khắp châu lục. Hồi tháng 9-2018, Mát-xcơ-va đã công bố thỏa thuận xây dựng một căn cứ hậu cần ở Eritrea, trong khi các công ty Nga thì ký nhiều thỏa thuận khai thác khoáng sản ở Sudan. Sự hiện diện của Nga tại khu vực ngày càng tăng nhanh, đặc biệt là ở Cộng hòa Trung Phi, nơi mà Nga đang triển khai các cố vấn cả quân sự lẫn dân sự để huấn luyện lực lượng an ninh chính phủ nước này, trong khi giới chức Nga đang đàm phán để có thể tiếp cận với nguồn kim cương, vàng và các loại khoáng sản khác của Cộng hòa Trung Phi. Trong thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã thiết lập quan hệ ngoại giao và quân sự gần gũi với nhiều nước châu Phi và ngày nay, Nga đang cố gắng khôi phục lại nhiều mối quan hệ đã đổ vỡ từ khi Liên Xô tan rã. 

 

TRÍ VĂN

 

Chia sẻ bài viết