Nghị sĩ kỳ cựu Angela Eagle hôm 9-7 đã chính thức lên tiếng thách thức vai trò lãnh đạo Công đảng đối lập của Jeremy Corbyn, chỉ trích ông này không thể đoàn kết nội bộ. "Vào sáng thứ hai (11-7), tôi sẽ thông báo việc ra tranh cử chức thủ lĩnh Công đảng", bà Eagle tuyên bố.

Liệu bà Eagle có thể đánh bại ông Corbyn để lãnh đạo Công đảng? Ảnh: AFP
Sau khi cử tri xứ sương mù quyết định chia tay Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6, những chia rẽ trong nội bộ Công đảng càng thêm sâu sắc. Thủ lĩnh Corbyn bị chỉ trích là đã dẫn dắt chiến dịch vận động Anh ở lại một cách mờ nhạt nên mới đưa tới thất bại. Các nghị sĩ Công đảng đã tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm 28-6 với kết quả là chính khách 67 tuổi chỉ nhận được 17% phiếu ủng hộ, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới 75%. Tuy nhiên, do có sự hậu thuẫn rất lớn từ các đảng viên ở cơ sở cũng như giới nghiệp đoàn nên ông Corbyn, người mới lãnh đạo Công đảng được 10 tháng, tỏ ra không mấy nao núng. "Không có áp lực nào đối với tôi", ông Corbyn tuyên bố sau khi có động thái từ bà Eagle. Trong khi đó, phát ngôn viên của ông Corbyn khẳng định: "Ông ấy vẫn là lãnh đạo Công đảng và sẽ chiến đấu với bất kỳ sự tranh quyền nào, nếu có".
Theo AFP, nếu thành công trong việc thách thức vị trí của ông Corbyn, bà Eagle (55 tuổi) sẽ trở thành lãnh đạo đầu tiên của một chính đảng lớn ở Anh công khai mình là người đồng tính.
Trong khi đó bên phía đảng Bảo thủ cầm quyền, Thứ trưởng Năng lượng Andrea Leadsom, một trong hai ứng viên cho chiếc ghế thủ lĩnh đảng và cũng là Thủ tướng Anh, vừa gây bão khi tấn công vào việc không có con của đối thủ - Bộ trưởng Nội vụ Theresa May. Theo Reuters, Leadsom trong một cuộc phỏng vấn đã nói rằng có con đồng nghĩa với việc bà sẽ có trách nhiệm hơn với tương lai đất nước so với Bộ trưởng May.
Phát biểu của Thứ trưởng Leadsom, nhân vật ít người biết tới cho đến khi tích cực tham gia vận động Anh rời EU (Brexit), đã vấp phải sự chỉ trích của nhiều nghị sĩ Bảo thủ và những người ủng hộ bà May, với những từ ngữ nặng nề như "hèn hạ", "gây chia rẽ", "xúc phạm", "thiếu suy xét"... Trong đó, Ngoại trưởng Philip Hammond đề nghị tranh cử cần tập trung vào những vấn đề chính yếu chứ không nên sa đà vào "đấu khẩu". "Cái khiến bạn đủ tiêu chuẩn làm thủ tướng là có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề đất nước đang đối mặt. Và đó là lý do tôi ủng hộ Theresa May", ông Hammond nói.
Ngoài ra, bà Leadsom cũng bị nghi ngờ đã thổi phồng kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực tài chính.
Trong cuộc bỏ phiếu vòng hai chọn lãnh đạo hôm 7-7, bà May, người ủng hộ Anh ở lại EU, nhận được 199/329 phiếu của các nghị sĩ Bảo thủ, trong khi bà Leadsom chỉ có 84 phiếu. Tối 9-7, tờ Sunday Times cho biết có khoảng 20 nghị sĩ Bảo thủ dự định rời bỏ đảng này nếu bà Leadsom trở thành thủ lĩnh.
QUỐC KHÁNH