28/04/2020 - 09:36

Chi tiêu quân sự toàn cầu cao nhất kể từ kết thúc Chiến tranh Lạnh 

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2019 đã tăng mạnh nhất trong một thập kỷ, đánh dấu lần đầu tiên 2 nước châu Á nằm trong tốp 3 mạnh tay chi cho quốc phòng. 

Tổ hợp tên lửa đạn đạo mang theo đầu đạn siêu thanh DF-17 của Trung Quốc. Ảnh: WP

Cụ thể, các quốc gia trên thế giới đã chi tổng cộng 1,9 ngàn tỉ USD cho quốc phòng hồi năm ngoái, tăng 3,6% so với năm 2018 và là mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất kể từ năm 2010. “Chi tiêu quân sự đạt đỉnh cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh” - Nan Tian, chuyên gia nghiên cứu tại SIPRI, cho hay. 

Theo SIPRI, Mỹ là quốc gia chi tiêu nhiều nhất năm 2019, với 732 tỉ USD, tăng 5,3%, chiếm 38% chi tiêu quốc phòng toàn cầu. 

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên 2 quốc gia châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ góp mặt trong tốp 3, với số tiền lần lượt là 261 tỉ USD (tăng 5,1%) và 71,1 tỉ USD (tăng 6,8%).

Việc Trung Quốc gia tăng ngân sách dành cho quân sự tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế của nước này trong suốt 25 năm qua, qua đó phản ánh tham vọng của Trung Quốc về “quân đội đẳng cấp thế giới”, bởi Bắc Kinh từng tuyên bố muốn cạnh tranh với Washington để trở thành một siêu cường quân sự, đồng thời cũng phần nào giúp giải thích vì sao Ấn Độ làm điều tương tự. “Căng thẳng và cạnh tranh với cả Pakistan và Trung Quốc là một trong những động lực chính khiến New Delhi tăng chi tiêu quân sự” - chuyên gia Siemon Wezeman nhận định. 

Ngoài Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, Nga và Saudi Arabia là 2 nước còn lại góp mặt trong tốp 5. Cụ thể, Mát-xcơ-va năm 2019 đã dành 4% GDP cho quân sự, ước đạt 65,1 tỉ USD. Mức chi dành cho quân sự của Saudi Arabia năm 2019 tuy giảm 16% so với năm 2018 nhưng vẫn còn rất cao với 61,9 tỉ USD.

Dù không nằm trong tốp 5, nhưng Đức vẫn là cái tên đáng chú ý. Berlin đã tăng 10% chi tiêu quốc phòng trong năm 2019 lên 49,3 tỉ USD, mức tăng theo phần trăm lớn nhất trong số 15 nước chi tiêu quân sự hàng đầu. Theo các chuyên gia, sở dĩ Đức mạnh tay chi cho quốc phòng là bởi mối lo ngại từ Nga ngày càng gia tăng, cũng như do sức ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi năm 2014, các quốc gia thành viên khối này nhất trí dành ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Năm ngoái, chi tiêu quốc phòng của Đức mới đạt 1,38% GDP. Năm 2019, 29 quốc gia thành viên NATO chi cho quốc phòng tổng cộng khoảng 1,04 ngàn tỉ USD.

Trong khi đó, các nước Đông Nam Á năm 2019 chi tổng cộng 41 tỉ USD cho quốc phòng, còn toàn bộ các nước châu Phi chỉ chi khoảng 42 tỉ USD.

Song, chuyên gia Tian dự báo xu hướng trên có thể bị đảo ngược bởi hậu quả mà đại dịch COVID-19 mang lại. Theo ông, khi thế giới đứng trước một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm tàng, chính phủ các nước sẽ phải cân nhắc về tầm quan trọng của chi tiêu quân sự so với các lĩnh vực khác như y tế, giáo dục.

TRÍ VĂN (Theo AFP, DW)

Chia sẻ bài viết