23/04/2024 - 08:23

Chi tiêu quân sự toàn cầu cao kỷ lục 

Lần đầu tiên, chi tiêu quân sự năm 2023 đã tăng ở cả 5 khu vực địa lý trên thế giới, theo báo cáo công bố ngày 22-4 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Israel tăng chi tiêu quân sự chủ yếu do cuộc xung đột với phong trào Hamas ở Gaza. Ảnh: Shutterstock

Theo báo cáo, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng mạnh nhất trong hơn một thập niên, đạt mức cao kỷ lục với 2.440 tỉ USD. Chi tiêu quân sự năm 2023 đã tăng 6,8% - mức tăng theo năm cao nhất kể từ 2009.

“Sự gia tăng chưa từng có trong chi tiêu quân sự phản ứng trực tiếp sự suy thoái hòa bình và an ninh trên toàn cầu. Các quốc gia đang ưu tiên sức mạnh quân sự, nhưng họ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy phản ứng hành động trong bối cảnh an ninh và địa chính trị ngày càng biến động”, Nan Tian, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, nhận định.

Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Saudi Arabia lần lượt là 5 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất trong năm ngoái. Cụ thể, chi tiêu quân sự của Mỹ tăng 2,3% so với năm 2022, lên 916 tỉ USD.

Mức chi tiêu quân sự của Trung Quốc là khoảng 296 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2022 và là năm thứ 29 liên tiếp quốc gia Đông Bắc Á này tăng chi tiêu quân sự.

Trong khi đó, mức chi tiêu của Nga và Ấn Độ lần lượt là 109 tỉ USD và gần 83,7 tỉ USD. Với chi tiêu quân sự chiếm 5,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tương đương 16% tổng chi tiêu của Chính phủ Nga, năm ngoái đánh dấu mức cao nhất được ghi nhận kể từ khi Liên Xô tan rã.

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng với Trung Quốc và Pakistan, chi tiêu quân sự của Ấn Độ đã tăng 4,2% so với năm 2022, phản ánh sự gia tăng về nhân sự và chi phí hoạt động. Các nhà phân tích lưu ý rằng 75% vốn đầu tư của Ấn Độ là dành cho các thiết bị nội địa, tỷ lệ cao nhất từ ​​trước đến nay, khi quốc gia Nam Á hướng tới mục tiêu tự chủ trong phát triển và sản xuất vũ khí.

Ở Trung Đông, chi tiêu quân sự của Saudi Arabia trong năm ngoái tăng 4,3% so với năm 2022, lên khoảng 75,8 tỉ USD, tương đương 7,1% GDP. Đây là mức chi tiêu quân sự cao nhất trong khu vực.

Chi tiêu quân sự của Israel, đứng thứ hai ở Trung Đông sau Saudi Arabia và trên Thổ Nhĩ Kỳ, đã tăng 24% đạt 27,5 tỉ USD, chủ yếu do cuộc tấn công vào Dải Gaza. Trong khi đó, Iran là nước chi tiêu quân sự lớn thứ tư trong khu vực khi chi tiêu của nước này tăng nhẹ (0,6%), lên 10,3 tỉ USD.

Ukraine trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ 8 trên thế giới vào năm ngoái, với mức tăng hàng năm là 51%, đạt 64,8 tỉ USD, nhưng chỉ tương đương 59% chi tiêu quân sự của Nga trong cùng năm. Cũng ở châu Âu, Ba Lan chứng kiến mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất từ trước đến nay, với 31,6 tỉ USD, tăng 75% so với năm 2022.

Ở khu vực Trung Mỹ và Caribe, chi tiêu quân sự của các nước cũng tăng mạnh. Việc sử dụng quân đội để chống lại các băng đảng có vũ trang được cho là yếu tố dẫn đến sự gia tăng chi tiêu ở Trung Mỹ và Caribe. Theo Diego Lopes da Silva, nhà nghiên cứu cấp cao tại SIPRI, việc sử dụng quân đội để trấn áp bạo lực băng đảng là xu hướng ngày càng tăng trong khu vực trong nhiều năm vì các chính phủ không thể giải quyết vấn đề bằng các biện pháp thông thường.

Tại châu Phi, căng thẳng, xung đột và bạo lực cũng khiến các nước tăng chi tiêu quân sự.

HẠNH NGUYハN (Theo Guardian)

 

Chia sẻ bài viết